Quản lý chất thải phát sinh từ các F0 điều trị tại nhà
Trước áp lực lượng chất thải phát sinh từ các trường hợp nhiễm Covid-19 (F0) đang quản lý tại nhà không ngừng gia tăng, hai bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời và an toàn.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng hai triệu ca F0 đang được quản lý, theo dõi, điều trị tại nhà và con số này đang tiếp tục tăng khi số ca mắc mới liên tục “lập đỉnh”. Cùng với việc gia tăng các ca bệnh đã và đang gây áp lực rất lớn tới vấn đề quản lý chất thải Covid-19. Việc quản lý chất thải, nhất là chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu không được quản lý chặt chẽ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn trong việc lây lan dịch bệnh tại cộng đồng.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Hà cho biết: Ngay từ thời điểm năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 ban hành nhiều hướng dẫn về phòng, chống Covid-19. Ban chỉ đạo đã ban hành Quyết định số 3455 về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 như: Công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 về việc hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng. Mới đây, ngày 27/2/2022, Bộ Y tế có Văn bản số 922/BYT-MT về việc tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 quản lý tại nhà, trong đó đưa ra các quy định cụ thể như: Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ), khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm; đồng thời phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”…
Hiện, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở các địa phương khi số F0 tăng cao, song phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được thực hiện việc quản lý, cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú (chiếm hơn
90 % tổng số ca mắc). Do vậy, lượng chất thải từ các trường hợp F0 quản lý tại nhà không ngừng tăng; đồng thời sẽ kéo theo không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bố trí nguồn nhân lực, phương tiện, lựa chọn các đơn vị vận chuyển, thu gom và xử lý chất thải y tế cho các trường hợp F0 quản lý tại nhà… Thực tế cho thấy, bên cạnh các địa phương thực hiện tốt việc thu gom, xử lý chất thải từ các trường hợp F0 tại nhà, thì vẫn còn không ít địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác này do tình trạng quá nhiều F0 trên địa bàn.
Trong khi đó, vẫn còn nhiều F0 không thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế dẫn đến tình trạng chất thải không được thu gom triệt để. Vì vậy, nếu không có những giải pháp hiệu quả, thì chính lượng rác thải này sẽ trở thành những nguồn lây nhiễm, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.
Theo Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền, để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải phát sinh từ những F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn để phù hợp với tình hình thực tế. Chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ trong trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương mình không bảo đảm đủ năng lực xử lý hoặc không đủ hạ tầng xử lý.
Tiếp tục bố trí ngân sách của địa phương cho các hoạt động phòng, chống Covid-19, trong đó ưu tiên cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế lây nhiễm do dịch Covid-19. Các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm công suất xử lý chất thải đã được cấp phép và công tác xử lý chất thải y tế trên địa phương mình quản lý…
Phó Cục trưởng Quản lý Môi trường y tế Nguyễn Thanh Hà đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tiến hành rà soát, xây dựng, điều chỉnh, cập nhật phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh đối với người nhiễm Covid-19 đang quản lý tại nhà trên địa bàn. Có phương án bố trí đơn vị thu gom chất thải từ các hộ gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang quản lý để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao kịp thời cho cơ sở xử lý theo quy định; đồng thời chính quyền cơ sở cần thường xuyên cập nhật danh sách, địa điểm các trường hợp F0 tại nhà để công nhân thu gom chất thải được an toàn và triệt để. Tăng cường công tác truyền thông để người dân nhận biết loại chất thải có nguy cơ lây nhiễm đối với F0 đang quản lý tại nhà để thực hiện phân loại đúng theo hướng dẫn của địa phương.
Tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, bố trí người thu gom các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các F0 được quản lý tại nhà để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp do địa phương lựa chọn để xử lý theo quy định. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế, không thực hiện phân loại rác thải y tế theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.
Ý kiến ()