Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ và vàng
Để triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra bảy nhóm giải pháp cụ thể. Bên cạnh các nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dần dự trữ ngoại hối, các nhóm giải pháp về quản lý, kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ được dư luận xã hội quan tâm.Theo Pháp lệnh Quản lý ngoại hối, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý ngoại hối, người dân có các quyền cơ bản sau đây đối với ngoại tệ: Quyền sở hữu và cất trữ ngoại tệ; quyền gửi và rút ra bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; quyền nhận tiền kiều hối bằng ngoại tệ; quyền bán ngoại tệ và quyền mua ngoại tệ cho các nhu cầu hợp lý như: Đi công tác, đi du lịch, đi học tập, đi chữa bệnh ở nước ngoài......
Theo Pháp lệnh Quản lý ngoại hối, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quản lý ngoại hối, người dân có các quyền cơ bản sau đây đối với ngoại tệ: Quyền sở hữu và cất trữ ngoại tệ; quyền gửi và rút ra bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; quyền nhận tiền kiều hối bằng ngoại tệ; quyền bán ngoại tệ và quyền mua ngoại tệ cho các nhu cầu hợp lý như: Đi công tác, đi du lịch, đi học tập, đi chữa bệnh ở nước ngoài… với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; quyền sử dụng ngoại tệ thanh toán cho người không cư trú để mua sắm hàng hóa và dịch vụ được pháp luật cho phép… Pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, vàng miếng (vàng miếng do các tổ chức kinh doanh vàng được Ngân hàng nhà nước cấp phép dập vàng miếng) của ta công nhận những quyền cơ bản sau đây của người dân: quyền sở hữu và cất trữ vàng miếng, quyền mua bán, trao đổi vàng miếng, quyền gửi vào và rút ra vàng miếng tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng…
Từ trước đến nay pháp luật quản lý ngoại hối của nước ta luôn nghiêm cấm việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do; việc thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam; việc niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ…
Thế nhưng do công tác quản lý chưa tốt nên trong thời gian qua thị trường ngoại tệ tự do ngày càng trở nên phổ biến, hoạt động bất chấp pháp luật. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có những đường phố, tụ điểm mà ai cũng biết, ngang nhiên mua, bán, thanh toán ngoại tệ trái quy định của pháp luật. Đã hình thành giới chuyên kinh doanh, mua bán vận chuyển ngoại tệ trái phép, có đội ngũ đông đảo, quy mô hoạt động giao dịch lớn từ vài triệu đến hàng chục triệu USD tiền mặt, có mạng lưới trong cả nước thậm chí còn liên thông ra nước ngoài làm dịch vụ chuyển tiền trái phép. Chính các đối tượng này đã tổ chức làm giá, tung tin thất thiệt, tạo ra những cơn sốt giả làm náo loạn thị trường tự do để kiếm lời, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh thị trường ngoại tệ tự do, hoạt động thanh toán và niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ trái pháp luật cũng diễn ra ngày càng phổ biến.
Về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, hiện nay trong cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có gần bốn nghìn doanh nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, một số doanh nghiệp lợi dụng chức năng môi giới kinh doanh vàng; trong giấy phép tổ chức các sàn giao dịch vàng mi-ni làm chân rết cho các sàn vàng lớn trước khi Chính phủ có quyết định đóng cửa các sàn vàng; tổ chức các hoạt động huy động và cho vay nặng lãi bất chấp pháp luật để kinh doanh vàng, liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để kiếm lời. Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới ngày càng tăng với quy mô ngày càng lớn, riêng nhập khẩu vàng lậu trung bình một năm cũng từ 20 đến 40 tấn. Lợi dụng việc chưa có các quy định cụ thể giữa vàng nguyên liệu và vàng trang sức, tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức trong những năm vừa qua cũng khá phổ biến, có năm lên đến hàng chục tấn.
Tình hình trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan chính như sau:
Nguyên nhân khách quan: Trong thời gian qua tình hình kinh tế vĩ mô của ta phát triển nhưng chưa vững chắc, lạm phát luôn ở mức cao, VND mất giá liên tục… làm cho niềm tin của người dân vào giá trị VND bị giảm sút, tâm lý tiết kiệm và nắm giữ ngoại tệ, vàng gia tăng. Giá vàng quốc tế tăng mạnh và biến động thất thường vượt quá khả năng dự báo.
Nguyên nhân chủ quan: Công tác quản lý thị trường chúng ta làm chưa tốt. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, thanh tra NHNN chưa chặt chẽ và thường xuyên; các chế tài xử lý còn bất cập, không còn phù hợp tình hình mới, tính răn đe không cao; chưa có chế độ đãi ngộ và khen thưởng hợp lý để kịp thời động viên và tạo điều kiện làm việc cho các lực lượng quản lý thị trường.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, có một số nguyên nhân chủ quan chính sau đây:
Chức năng quản lý nhà nước về vàng còn bị phân tán, do đó tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý. Theo quy định tại Luật NHNN, NHNN có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhưng theo các quy định hiện hành, NHNN chỉ có chức năng quản lý về vàng đối với các loại hình hoạt động sau đây: Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước. Tất cả các hoạt động khác như: mua bán, sản xuất, gia công vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường đều không do NHNN quản lý mà được cấp phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố; quản lý thị trường của Bộ Công thương; xuất nhập khẩu qua hải quan của Bộ Tài chính; quản lý chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các quy định cụ thể để điều tiết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng, xuất nhập khẩu vàng của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn rất thiếu. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 174/1999/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 64/2003/NĐ-CP) tổ chức, cá nhân muốn mua bán, kinh doanh vàng phải đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên trên thực tế không có các quy định cụ thể nào đối với hoạt động này. Theo quy định tại mục 2 phụ lục III Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Do vậy, tổ chức, cá nhân muốn tham gia chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở kế hoạch và Đầu tư trên địa bàn và hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng. Ngay cả hoạt động xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không có các quy định để điều phối, kiểm soát. Không có các quy định để phân biệt vàng trang sức, mỹ nghệ với các loại vàng khác.
Các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, có tám doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng. Riêng vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC chiếm hơn 80% thị phần vàng miếng cả nước và được một số thị trường vàng quốc tế có uy tín chấp nhận. Như vậy, vàng miếng SJC hầu như có đầy đủ các chức năng của một đồng tiền thứ hai trên lãnh thổ Việt Nam: Thước đo giá trị, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán, tự do lưu thông, chuyển đổi, mua bán. Đã là tiền tệ thì phải là hàng hóa đặc biệt do Ngân hàng trung ương quản lý từ khâu phát hành đến lưu thông. Hơn nữa, nước ta không phải là một nước sản xuất vàng, số vàng dự trữ, lưu thông trong nước đều có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài và có tính chuyển đổi ra ngoại tệ rất cao. Như vậy, vàng miếng còn là ngoại tệ mà chúng ta có cả chế độ quản lý ngoại hối trong khi đó pháp luật hiện hành ở nước ta coi vàng miếng là hàng hóa thông thường, lưu hành như mọi hàng hóa khác.
Qua phân tích tình hình nêu trên, cũng như đánh giá các nguyên nhân khách quan và chủ quan, để xóa bỏ thị trường tự do về ngoại tệ, lập lại kỷ cương quản lý ngoại hối, cũng như tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp, lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng nói chung, vàng miếng nói riêng theo hướng từng bước thu hẹp và tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, chúng ta phải giải quyết triệt để các nguyên nhân khách quan, chủ quan như đã nêu trên.
Vừa qua, NHNN đã phối hợp công an, lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công thương tích cực tiến hành kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thu đổi, mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng. Bước đầu đã có kết quả rất khả quan. NHNN cũng đã phối hợp các bộ, các ngành dự thảo xong Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (phần về ngoại tệ và vàng). Nghị định này đã được Chính phủ cho phép xây dựng theo quy trình rút gọn để sớm có hiệu lực thi hành và hiện đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 4-2011. NHNN cũng đã dự thảo xong Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9-12-1999 về hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong tháng 4-2011 và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý II-2011.
Theo Nhandan
Ý kiến ()