Quản lý bệnh đái tháo đường: Cần bắt đầu từ tuyến y tế cơ sở
Việc quản lý bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là trạm y tế xã là một trong những giải pháp mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Bệnh đái tháo đường không chữa khỏi nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. |
Nước ta hiện có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và dự báo đến 2045 sẽ tăng lên 6,13 triệu người trưởng thành có thể mắc bệnh này.
Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, một số nguyên nhân quan trọng gây bệnh đái tháo đường là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và uống nhiều rượu bia…
Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, khoảng 45,3% nam giới Việt Nam hút thuốc lá, 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (44%) nam giới uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây; 30% dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và 16% người trưởng thành bị thừa cân béo phì.
Sự gia tăng các hành vi nguy cơ trên đã dẫn tới các rối loạn sinh – chuyển hóa, gây rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh.
“Các bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các hành vi nguy cơ sẽ giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường tới 80%”, TS Trương Đình Bắc chia sẻ.
Hiện nay, trên cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn,… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là “người gác cổng” trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp… để góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Tuy nhiên, TS Trương Đình Bắc nhìn nhận, hiện tại chỉ có 12% xã trên cả nước thực hiện quản lý bệnh tăng huyết áp, hầu như chưa quản lý bệnh đái tháo đường tại xã. Do đó, Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở áp dụng nguyên lý y học gia đình.
Theo đó, nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường.
Riêng trong năm 2018, ngành Y tế đã thí điểm mô hình 26 trạm y tế xã, phường tại 8 tỉnh, thành trên cả nước theo nguyên lý này. Mục tiêu, đến năm 2019, mỗi địa phương sẽ triển khai ít nhất 15% số trạm y tế điểm…
Để đạt được mục tiêu này nhằm tăng cường chẩn đoán sớm, điều trị và quản lý bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuẩn mực cho những cán bộ y tế cơ sở.
Theo Chương trình Sức khoẻ Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025, sẽ có ít nhất 50% bệnh nhân tiểu đường được phát hiện bệnh và tiếp tục tăng lên 70% vào năm 2030, đồng thời tăng tỷ lệ bệnh nhân được quản lý bệnh tại các cơ sở y tế lên 30-40% trong 10 năm tới.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()