Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm Đổi mới công tác thanh, kiểm tra
LSO - Triển khai Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 9/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngành y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (VSTP) tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát định kỳ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; coi đây là giải pháp hữu hiệu phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xét nghiệm nước uống đóng chai |
Thanh tra và hậu kiểm
Không phủ nhận sự cần thiết và tính hiệu quả của việc thanh, kiểm tra theo từng đợt như dịp tết Nguyên đán, lễ hội xuân, nhân tháng an toàn VSTP, tết Trung thu, nhân các hoạt động lớn trên địa bàn tỉnh… song đối với các mặt hàng thực phẩm-loại hàng hóa mà người dân sử dụng hàng ngày, thanh, kiểm tra theo đợt như vậy là ít và rất dễ bị đối phó.
Để công tác thanh, kiểm tra mang lại hiệu quả tốt, tính răn đe cao, từ tháng 7/2016 đến nay, ngoài việc duy trì các đoàn, đội thanh, kiểm tra vào các dịp như trước, Chi cục An toàn VSTP tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, trong kiểm tra có theo dõi sự chấp hành của cơ sở đối với các quyết định của đoàn kiểm tra. Trong tháng 7/2016, chi cục đã kiểm tra đột xuất cơ sở nước uống đóng chai, đóng bình thuộc Công ty TNHH Mẫu Sơn, qua kiểm tra cho thấy: cơ sở chưa thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn VSTP như kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ, khám sức khỏe định kỳ và đăng ký đánh giá xác nhận kiến thức an toàn VSTP cho người lao động, nhãn thực phẩm chưa đúng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và quyết định tạm giữ giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP và giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy của cơ sở. Đến tháng 8/2016, khi hết thời hạn cho khắc phục lỗi vi phạm, nhưng cơ sở này vẫn không khắc phục, chi cục kiên quyết và đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP, thu hồi giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy sản phẩm và gửi thông báo thu hồi đến các cơ quan chức năng. Như vậy, việc thanh tra và hậu kiểm, giải quyết dứt điểm vụ việc đã có tác dụng “chống bệnh nhờn thuốc”, coi thường pháp luật của cơ sở.
Tập trung vào khâu tiềm ẩn nguy cơ cao
Chỉ thị số 05 củả Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ một số nội dung cần tập trung chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2016 đến năm 2020. Trong đó, cần tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nguồn nước sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt… Triển khai chỉ thị này, trong tháng 7 và tháng 8/2016, chi cục đã phối hợp tốt với Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh tăng cường giám sát định kỳ, tập trung nhân lực, nâng cao năng lực kiểm tra giám sát nguồn nước dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm và kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo hướng đó, đoàn kiểm tra đã phát hiện 16/56 cơ sở (28,6%) không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ đối với nước dùng chế biến thực phẩm và 37/56 cơ sở (66,07%) không có hợp đồng cung cấp nguyên liệu dùng cho sản xuất chế biến thực phẩm, trang phục bảo hộ của người lao động chưa đảm bảo.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn VSTP tỉnh cho biết: Nước dùng trong chế biến chưa kiểm nghiệm định kỳ, không có hợp đồng cung cấp nguyên liệu… là những lỗi rất nặng, vì nếu có “nước bẩn”, nguyên liệu đầu vào “bẩn” hoặc không rõ nguồn gốc sẽ có nguy cơ ngộ độc rất cao với số đông người mắc. Việc không có hợp đồng mua bán nguyên liệu, cũng có thể đồng nghĩa với việc các cơ sở này đã tiếp tay, tiêu thụ nguyên liệu “bẩn”, nguyên liệu nhập lậu và nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Trong thời gian tới, quán triệt Chỉ thị 05, chi cục sẽ tiếp tục đổi mới công tác thanh, kiểm tra, giám sát theo hướng tập trung vào những vấn đề, những khâu mà các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thường “lẩn” và “lách” để giải quyết tận gốc vấn đề.
Bài, ảnh: Trần Kim
Ý kiến ()