LSO-Lạng Sơn là một tỉnh vùng biên có nhiều cửa khẩu và nhiều chợ trung tâm, chợ cụm xã, thị trấn. Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày có trên 100 tấn nông sản, thực phẩm các loại nhập khẩu vào nước ta, nhưng việc kiểm tra an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Người dân chọn mua thực phẩm tại chợ thị trấn Đồng Đăng - Ảnh: Thế BảoHiện nay, toàn tỉnh có 5961 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đang hoạt động. Trong đó, số cơ sở đáp ứng các quy định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chiếm tỉ lệ thấp. Việc chấp hành quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyến tỉnh đạt 90%, tuyến huyện 20%, xã, phường, thị trấn 10%. Việc sử dụng các chất tăng trưởng, phụ gia, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, ý...
LSO-Lạng Sơn là một tỉnh vùng biên có nhiều cửa khẩu và nhiều chợ trung tâm, chợ cụm xã, thị trấn. Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh, mỗi ngày có trên 100 tấn nông sản, thực phẩm các loại nhập khẩu vào nước ta, nhưng việc kiểm tra an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Người dân chọn mua thực phẩm tại chợ thị trấn Đồng Đăng – Ảnh: Thế Bảo
Hiện nay, toàn tỉnh có 5961 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đang hoạt động. Trong đó, số cơ sở đáp ứng các quy định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chiếm tỉ lệ thấp. Việc chấp hành quy định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyến tỉnh đạt 90%, tuyến huyện 20%, xã, phường, thị trấn 10%. Việc sử dụng các chất tăng trưởng, phụ gia, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, ý thức của một bộ phận không nhỏ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận mà bất chấp lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng, đưa các chất bị cấm vào sản xuất, chế biến thực phẩm nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Đặc điểm của ngành trồng trọt ở tỉnh là nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình, canh tác còn lạc hậu, chưa kiểm soát được quá trình trồng trọt, kỹ thuật canh tác, việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm còn phổ biến. Quá trình chăn nuôi tại các hộ gia đình chưa được kiểm soát chặt chẽ, thống kê không rõ ràng việc phân loại điều kiện đảm bảo chất lượng ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhất là việc sử dụng thuốc tăng trọng trong thức ăn chăn nuôi. Tỉnh chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, việc giết mổ chủ yếu thực hiện tại các hộ gia đình bằng phương pháp thủ công, tiến hành vào ban đêm, rất khó kiểm soát. Việc vận chuyển, bảo quản thịt và các sản phẩm từ cơ sở đến nơi kinh doanh phần lớn cũng chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác kiểm tra thú y đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa được thường xuyên, mới kiểm soát được khoảng 27%. Dịch vụ thức ăn đường phố đang ngày càng phát triển nhưng một số huyện, thành phố chưa thực sự quan tâm đến việc quản lý dịch vụ ăn uống nói chung và thức ăn đường phố nói riêng. Trong năm 2010 – 2011, kết quả giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm về việc sử dụng hàn the trong sản xuất giò chả là 25% – 30% các mẫu kiểm nghiệm. Đối với thịt và các sản phẩm chín ăn ngay nhiễm E.coli và Coliform chiếm tỉ lệ 20% tổng số mẫu kiểm nghiệm. Đặc biệt, giao thương hàng hóa qua lại 2 bên biên giới ngày càng phát triển, trong đó có thực phẩm tồn tại cả tình trạng nhập lậu rất đa dạng gồm: rau, quả, gia cầm, trứng, thủy sản, thịt và nội tạng gia súc…và diễn ra hết sức phức tạp. Số lượng nhập khẩu thì ngày một tăng mà năng lực các cơ sở kiểm nghiệm tại địa bàn còn hạn chế, toàn bộ số mẫu thực phẩm nhập khẩu cần xét nghiệm đều phải đem về trung ương tiến hành, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thức ăn chín được bày bán tràn lan tại các điểm chợ trên địa bàn thành phố – Ảnh: Mai Hoa
Rõ ràng, việc quản lý VSATTP là thực sự cần thiết và cấp bách, phải có những giải pháp cụ thể để thực hiện tốt vấn đề này. Trước hết, tỉnh ta cần phải chú trọng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về thông tin giáo dục truyền thông, thanh tra chuyên ngành, kiểm nghiệm, quản lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, các quy phạm thực hành tiên tiến trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại trong công tác kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện tốt công tác VSATTP sẽ giảm mối lo cho toàn xã hội, góp phần vào quá trình xây dựng một xã hội phát triển bền vững.
Mai Hoa - Anh Dũng
Ý kiến ()