Quan hệ Việt Nam - Anh còn nhiều dư địa để phát triển
Đây là nhận định mà nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vương quốc Anh: Thành tựu và triển vọng” diễn ra ngày 21-3, tại Hà Nội.
Dấu mốc quan trọng
Năm 2023 là một năm đặc biệt trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Đây sẽ là dấu mốc quan trọng để hai nước cùng nhìn lại chặng đường đã qua, rút ra những bài học kinh nghiệm để đưa quan hệ Việt Nam-Anh lên tầm cao mới. Tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước là căn cứ để Việt Nam và Anh tiến tới xây dựng một tương lai 50 năm rực rỡ tiếp theo cho quan hệ song phương.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. |
Xuyên suốt trong 3 phiên thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích một cách toàn diện những khía cạnh khác nhau của quan hệ hợp tác giữa hai nước, đánh giá những thành tựu đã đạt được và đề ra những gợi ý nhằm tăng cường hiệu quả quan hệ song phương.
Theo ông Phan Anh Sơn, Phó chủ tịch-Tổng thư ký VUFO, tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Anh tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 5,9 tỷ GBP, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, quốc phòng, an ninh đều ghi nhận những bước phát triển mới. Việt Nam và Anh cũng không ngừng củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước đang hợp tác để hướng tới Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Bên cạnh đó, hai bên cũng có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Hướng tới tương lai
Tuy nhiên, qua phân tích toàn cảnh bức tranh hợp tác Việt Nam-Anh, các đại biểu nhận thấy còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Anh phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, giáo dục-đào tạo, phát triển bền vững.
Ông Bùi Thế Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ Tây Âu-Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết: “Hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh hiện nay mới chiếm chưa tới 1% nhu cầu nhập khẩu của Anh. Nước Anh chỉ đứng thứ 16 trong gần 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam, mặc dù Anh là 1 trong 5 quốc gia có đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới”.
Cũng theo ông Bùi Thế Giang, mặc dù giữa hai nước đã có thỏa thuận cấp chính phủ về hợp tác giáo dục-đào tạo vào năm 2008, cách đây tròn 15 năm; nước Anh là nước có nền giáo dục lâu đời, phát triển và là quốc gia cấp học bổng hàng đầu thế giới, nhưng học bổng của Chính phủ Anh dành cho người Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Về phần mình, Phó đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley cho biết, Vương quốc Anh sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực nâng cao năng lực tiếng Anh cho người dân. Theo ông, thời gian tới, hai nước cần tăng cường chia sẻ thông tin về thu hút đầu tư, mở cửa thị trường, phát triển công nghệ, nhằm thực hiện cam kết về phát triển bền vững, bảo đảm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đồng thời hợp tác để hướng tới JETP.
Việt Nam và Anh đều đang hướng đến phát triển kinh tế xanh. Do vậy, trong 50 năm tiếp theo, nhiều khả năng phát triển bền vững sẽ là một trụ cột trong hợp tác Việt-Anh. Trong bối cảnh này, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần định hướng lại việc phát triển sao cho phù hợp với xu hướng của thế giới và xây dựng các yếu tố để đáp ứng nhu cầu về phát triển bền vững, qua đó nhập cuộc sâu hơn vào chuỗi cung ứng sang thị trường Anh.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/quan-he-viet-nam-anh-con-nhieu-du-dia-de-phat-trien-722511
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()