Quan hệ tín dụng ngân hàng – doanh nghiệp: Chủ động phối hợp từ hai phía
(LSO) – Theo chủ trương phát triển doanh nghiệp của tỉnh, từ nay đến năm 2025 bình quân mỗi năm tăng từ 500 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp lên 6.500. Để đạt được mục tiêu, một trong các giải pháp được ưu tiên là phát triển mối quan hệ tín dụng ngân hàng – doanh nghiệp để giải quyết vấn đề về vốn.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 950 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng với tổng số dự nợ hơn 9.900 tỷ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn hạn chế so với tổng 2.846 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tính đến tháng 5/2019, nợ xấu toàn địa bàn là 1.015 tỷ đồng chiếm 3,6% tổng dư nợ, tăng 0,2% so với 31/12/2018, trong đó tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp.
Qua theo dõi của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao, có đến hơn 70% doanh nghiệp hội viên có nhu cầu vay vốn ngân hàng để tăng nguồn vốn đầu tư. Bởi hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vốn thấp, dưới 5 tỷ đồng chiếm đến hơn 52%, số doanh nghiệp có quy mô vốn từ 5 – 10 tỷ đồng chiếm khoảng 24%, tính đến nay cả tỉnh chỉ có khoảng 32 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng tập trung ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ.
Các ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận cho vay doanh nghiệp với UBND tỉnh
Rõ ràng doanh nghiệp luôn có nhu cầu cao về vốn, ngân hàng cũng cần tăng chỉ tiêu dư nợ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để ngân hàng và doanh nghiệp cùng đồng hành giải quyết vấn đề. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay.
Bà Trương Thu Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ngoài ra, ngành sẽ thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2019 đến nay, các ngân hàng thương mại đã tăng cường huy động vốn, để có thể đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Chủ động tiếp cận, làm việc với khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng để nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tư vấn, thống nhất trong quá trình đầu tư vốn. Áp dụng các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với khách hàng doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại ước đến 30/6/2019 đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 7,4% so với 31/12/2018, tăng 9,9% so với cùng kỳ 2018; dư nợ tín dụng 28.600 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Đồng thời, các ngân hàng đang thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giảm lãi suất cho vay; đánh giá lại chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi của các khoản nợ, để có biện pháp xử lí phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ổn định và phát triển.
Phía doanh nghiệp, ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cho biết: Hiệp hội đã quán triệt các hội viên, nhất là các doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn cao, tự kiểm điểm, đánh giá lại quá trình sản xuất kinh doanh, những mặt mạnh, mặt yếu, những tồn tại yếu kém để rút ra bài học, từ đó xây dựng điều chỉnh chiến lược kinh doanh mới, khai thác một cách có hiệu quả những chính sách và biện pháp của Chính phủ và của tỉnh. Qua đó đáp ứng tiêu chí và tiêu chuẩn những quy định về chuẩn vay theo nguyên tắc thị trường để tiếp cận vốn ngân hàng.
Quan trọng hơn nữa, doanh nghiệp cần nhìn nhận, ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, do vậy lợi nhuận vẫn là đích cuối cùng của ngân hàng. Từ đó, doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận ngân hàng để đề xuất nhu cầu vốn trên tâm thế đã chuẩn bị đủ các điều kiện, nhất là thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh và tài sản đảm bảo. Khi đó, cùng với sự phối hợp của ngân hàng, vấn đề quan hệ tín dụng giữa hai bên sẽ được cải thiện.
ANH DŨNG
Ý kiến ()