Quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp: Bài toán khó cần tìm lời giải
LSO-Theo ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thực tế hiện nay, để cải thiện được mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì không chỉ ở việc điều chỉnh lãi suất mà cần nghiên cứu và thay đổi một cách toàn diện về chiến lược sản xuất, kinh doanh và sự đồng thuận cao giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
LSO-Theo ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thực tế hiện nay, để cải thiện được mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp thì không chỉ ở việc điều chỉnh lãi suất mà cần nghiên cứu và thay đổi một cách toàn diện về chiến lược sản xuất, kinh doanh và sự đồng thuận cao giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Cán bộ Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Lạng Sơn rà soát hồ sơ tín dụng của khách hàng – Ảnh: Thanh Sơn |
Thực trạng khó khăn
Theo thông kê, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có tổng số 1426 doanh nghiệp, có khoảng 630 doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với các ngân hàng, chiếm 44,3% tổng số doanh nghiệp. Tổng dư nợ cho vay các loại hình doanh nghiệp là 5.317 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng dư nợ của ngân hàng. Từ những con số trên, chứng tỏ ngân hàng đã có sự nỗ lực và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của suy giảm kinh tế trong nước, tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh gặp nhiểu khó khăn, lãi suất cho vay của các ngân hàng trong 2 năm 2011 và 2012 tăng cao, có thời điểm lên đến gần 20%/năm, dẫn đến nhiều khó khăn, thách thức cho việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc định giá giá trị tài sản bảo đảm của ngân hàng đôi khi còn chưa phù hợp. Ông Hoàng Hữu Công, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Nguồn vốn huy động của ngân hàng hiện nay chủ yếu là ngắn hạn nên việc cho vay trung và dài hạn còn hạn chế nhất định. Trong khi đó, nhu cầu thực tế để vay vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là vay trung và dài hạn rất cao. Các ngân hàng thương mại khi thực hiện quan hệ tín dụng phải theo những quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, mà với tình hình thực tế hiện nay các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được đầy đủ những quy định đó như: quy định về tổng số vốn đầu tư tự có, tài sản thế chấp…
Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 12% số doanh nghiệp hoạt động tốt, sản xuất kinh doanh phát triển và sử dụng đồng vốn vay ngân hàng có hiệu quả, còn nhiều doanh nghiệp yếu kém, năng lực hạn chế, nguồn vốn kinh doanh tự có không lớn, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, trình độ quản lý cũng như năng lực điều hành còn nhiều bất cập. Theo ông Lại Quốc Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng Phú Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thì hiện nay đa số doanh nghiệp mang tính chất gia đình, mô hình nhỏ và siêu nhỏ, thiếu kế hoạch, chiến lược kinh doanh cụ thể, trình độ nhân lực hạn chế trong việc tiếp thị và tìm kiếm thị trường, công nghệ lạc hậu nên trong giai đoạn nền kinh tế biến động theo chiều hướng không thuận lợi thì hầu hết đều bị ảnh hưởng nghiệm trọng. Kinh doanh không hiệu quả, hàng hóa tồn kho lớn dẫn đến tình trạng mất khả năng chi trả các khoản nợ ngân hàng đúng theo cam kết. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến thời điểm hiện tại nợ xấu của các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng chiếm 95,8% tổng nợ xấu toàn địa bàn. Từ thực trạng trên, mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày một phức tạp.
Cần những giải pháp khả thi
Hiện nay, việc giải quyết bài toán về “mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doang nghiệp” là rất cần thiết, là sự sống còn của doanh nghiệp cũng như ngân hàng và toàn nền kinh tế. Ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay thiếu sự đồng thuận và chia sẻ trong lúc khó khăn. Ngân hàng thừa vốn mà không tìm được điểm đầu tư, doanh nghiệp thì thiếu vốn mà không thể tiếp cận được nguồn vốn. Đây là vấn đề mấu chốt để giải quyết mối quan hệ tín dụng hiện nay. Theo ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, để giải quyết được mâu thuẫn trên, ngoài việc đưa ra các phương án giải quyết nợ xấu, thì điều quan trọng là ngân hàng cần xem xét, áp dụng cơ chế chính sách một cách linh hoạt, mềm dẻo tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn trong giai đoạn khó khăn. Điều chỉnh lãi suất vay hợp lý, ưu tiên cho những doanh nghiệp còn duy trì được hoạt động, có cơ hội bứt phá vươn lên; những dự án kinh doanh đang đầu tư dang dở mà có tính khả thi. Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước tỉnh cũng đưa ra ý kiến: Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng quản trị, thay đổi và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Công khai khả năng tài chính, xử lý hợp thức hóa tài sản của doanh nghiệp, từ đó tạo niềm tin với ngân hàng.
Công nhân Công ty Cổ phần gạch ngói Hợp Thành bên dây chuyền sản xuất |
Nhằm giải quyết những vấn đề trên, ngày 6/6/2013, tại khách sạn Mường Thanh, thành phố Lạng Sơn, Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lạng Sơn cùng các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tổ chức tọa đàm nhằm thao gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp và ngân hàng đã nói lên những vấn đề vướng mắc tồn tại bấy lâu. Trong thời gian tới, hy vọng rằng với sự nỗ lực các cấp ủy, chính quyền tỉnh, Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp, nhất là hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
ANH DŨNG
Ý kiến ()