Quan hệ hợp tác Việt – Trung đang ở mức cao nhất trong lịch sử
Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi và điểm sáng để phát triển quan hệ ngoại giao trong tương lai. Có thể nói dư địa phát triển, thúc đẩy nâng cao hơn nữa quan hệ ngoại giao hai nước vẫn còn rất lớn. Quan hệ hợp tác giữa hai nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử.
Nhân dân Trung Quốc chào mừng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, thăm hữu nghị Trung Quốc tháng 6/1955 – Ảnh: TTXVN
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bi thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình sắp tới, TS. Nguyễn Diệu Hương, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), đã nhấn mạnh các điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước.
Điểm đặc biệt trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc
TS. Nguyễn Diệu Hương cho biết, sau 15 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và đặc biệt sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, quan hệ hữu nghị truyền thống và sự hợp tác giữa hai nước đã có bước phát triển rất lớn.
Về hợp tác chính trị, ngay sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10 năm ngoái, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có rất nhiều chuyến thăm và làm việc với nhau. Thông qua những chuyến thăm này, hai bên đã đưa ra phương hướng và trọng tâm nhiệm vụ hợp tác trong thời gian tới. Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ của mình với các chiến lược chính trị của Trung Quốc như: Bốn toàn diện, bố cục tổng thể ngũ vị nhất thể, quan điểm phát triển mới được đưa ra từ Đại hội XX, các Sáng kiến mới của Trung Quốc,…
Về hợp tác kinh tế, quan hệ hợp tác thương mại song phương trong 15 năm qua phát triển nhanh, hợp tác đầu tư có hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương có những năm đã vượt mức 200 tỷ USD, 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt 185,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Các sản phẩm nông sản của Việt Nam luôn nhận được sự ưa chuộng ở Trung Quốc và có lượng xuất khẩu ngày càng tăng.
Quan hệ hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam đã hiệu quả hơn. Lượng đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng, lĩnh vực đầu tư rộng, sức tăng trưởng nhanh. Tính đến tháng 8/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư gần 4.000 dự án vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Về hợp tác quốc phòng, an ninh: Trong những năm qua, quân đội hai nước đã có nhiều hợp tác, công tác xây dựng cơ chế cũng có tiến triển nhất định, đặc biệt là công tác hợp tác phòng chống dịch bệnh, hoạt động tuần tra được triển khai thuận lợi, thể hiện xu thế giao lưu hữu hảo giữa quân đội hai nước. Việt Nam và Trung Quốc gần đây nhất đã tổ chức thành công hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới lần thứ 7 vào tháng 4/2022 tại Sùng Tả – Quảng Tây. Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục làm sâu sắc hợp tác quốc phòng trên biển, tiếp tục thực hiện hợp tác huấn luyện và diễn tập.
Các hoạt động giao lưu nhân dân và văn hóa giữa hai nước trong 15 năm qua đã được thúc đẩy và phong phú về hình thức. Diễn đàn nhân dân Việt-Trung đã được tổ chức 11 lần. Đặc biệt là các hoạt động giao lưu hữu nghị giữa thanh niên hai nước Việt – Trung được tổ chức hằng năm với nhiều hình thức cả trực tiếp lẫn trực tuyến giữa các khu vực hai nước. Thông qua hoạt động giao lưu hữu nghị, thanh niên hai nước đã tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, các hoạt động Đoàn Thanh niên của hai nước rất thiết thực, góp phần tăng thêm tình hữu nghị của thế hệ trẻ hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có nhiều chương trình học bổng, trao đổi lưu học sinh
TS. Nguyễn Diệu Hương cho rằng, điểm đặc biệt nhất trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc là đi lên trong sự ổn định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 30/10-01/11/2022 – Ảnh: TTXVN
Chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm cấp nhà nước tại Việt Nam vào ngày 12-13/12 tới đây. Theo TS. Nguyễn Diệu Hương đây là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Lần đầu tiên có một Tổng Bí thư của Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Trung Quốc nói chung và cá nhân ông Tập Cận Bình nói riêng đối với Việt Nam.
Thứ hai, bối cảnh của chuyến thăm lần này khá đặc biệt. Năm nay là năm kỷ niệm tròn 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023). Trung Quốc là nước đầu tiên Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác này, Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ mối quan hệ ngoại giao nàyĐiều này thể hiện sự ủng hộ và nhiệt tình của hai bên dành cho nhau.
Thứ ba, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp hơn cho quan hệ hai nước. Theo Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, quan hệ hợp tác hai nước Việt – Trung đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Chính vì thế, TS. Nguyễn Diệu Hương tin tưởng rằng chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình sẽ tăng cường lòng tin chính trị, thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Dư địa phát triển quan hệ ngoại giao hai nước vẫn còn rất lớn
Đề cập về những thuận lợi và điểm sáng trong quan hệ hai nước Việt Nam và Trung Quốc để hướng tới tương lai, TS. Nguyên Diệu Hương cho biết, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi và điểm sáng để phát triển quan hệ trong tương lai. Có thể nói dư địa phát triển quan hệ hai nước vẫn còn rất lớn.
Thuận lợi lớn nhất là Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Thể chế chính trị hai nước đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo và đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế hai nước đều có sự chuyển đổi từ cơ chế bao cấp kế hoạch sang thị trường. Văn hóa hai nước đã có sự giao thoa trong khoảng thời gian lịch sử rất dài. Những điểm tương đồng này là những điều kiện thuận lợi nhất để hai nước phát triển quan hệ ngoại giao trong quá khứ và cả tương lai sau này.
Điều kiện về vị trí địa lí cũng là thuận lợi rất lớn để hai nước phát triển quan hệ hợp tác thương mại. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới kéo dài khoảng hơn 1.400 km. Việt Nam có 7 tỉnh từ Tây sang Đông là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Việt Nam là một nước có nhiều loại sản phẩm nông sản đặc sắc được xuất khẩu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng của các nước trên thế giới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vô cùng lớn cho nông dân Việt Nam.
Một trong những điểm sáng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc theo quan điểm của TS. Nguyễn Diệu Hương chính là giao lưu văn hóa và du lịch giữa nhân dân hai nước. Thông qua sự giao lưu văn hóa, du lịch, người dân hai nước có điều kiện hiểu biết sâu hơn về đất nước, văn hóa, phong tục tập quán của nhau, tăng cường tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt là thông qua giao lưu văn hóa, hai nước có thể mở ra những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế – xã hội ở các địa phương biên giới. Thông qua việc tiến hành trao đổi kinh nghiệm về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cả hai nước đều tìm ra giải pháp, cơ chế để phát triển tiềm năng du lịch cho mình. Vì vậy, giao lưu văn hóa và du lịch được coi là cầu nối để tăng cường hiệu quả mối quan hệ ngoại giao hai nước trong tương lai.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/quan-he-hop-tac-viet-trung-dang-o-muc-cao-nhat-trong-lich-su-102231210143602145.htm
Ý kiến ()