Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc: Còn dư địa nâng tầm
Trong quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc, vẫn còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực hơn, hỗ trợ tốt hơn quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu. |
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng tại Kỳ họp lần thứ 17, Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Hàn Quốc chiều ngày 23/10 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đánh giá: Quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm qua ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2019 đánh dấu 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, hai bên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và hiện đang trong giai đoạn tốt đẹp, trong mọi lĩnh vực đều có sự phát triển vượt bậc, đem lại lợi ích và hiểu biết, tin cậy sâu sắc lẫn nhau cho cả hai phía, đánh dấu bằng Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Với hơn 150.000 kiều dân, người Hàn Quốc tại Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất, đồng thời là cộng đồng người Hàn Quốc lớn nhất tại ASEAN.
Hai bên đã trao đổi về tình hình và giải pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động-xã hội, môi trường, đất đai, năng lượng, cơ sở hạ tầng, lãnh sự-tư pháp, khoa học công nghệ, nông nghiệp phát triển nông thôn, tài chính-ngân hàng… và sự tham gia của hai nước trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế.
Về thương mại, năm 2018, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Phía Việt Nam xuất khẩu 18,2 tỷ USD, nhập khẩu 47,5 tỷ USD.
Trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động phức tạp với sự leo thang căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung và quan hệ thương mại Nhật-Hàn, kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc đã tăng trưởng chậm lại. 8 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Hàn Quốc đạt 44 tỷ USD, chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Vấn đề chính của Việt Nam khi trao đổi thương mại với Hàn Quốc là nhập siêu lớn (kim ngạch nhập siêu từ Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 là 18,3 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2018).
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng dương, dù tốc độ tăng trưởng đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn tăng trưởng mạnh 2015-2017.
Toàn cảnh Kỳ họp. |
Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị: Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi, phối hợp với Hàn Quốc tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 8/2019, Hàn Quốc đã có hơn 8.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 65 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2018.
Trong đó, riêng các công ty thành viên của Tập đoàn Samsung đã đóng góp khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam hiện có 40 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 23,8 triệu USD. Tuy vậy, các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại.
Đại diện phía Hàn Quốc khẳng định Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển. Viện trợ cho Việt Nam chiếm 20% tổng số viện trợ của Hàn Quốc cho các nước, trong đó 90% là vốn vay ODA và 10% là viện trợ không hoàn lại.
Ngoài vốn ODA, Hàn Quốc còn sẵn sàng cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi qua khuôn khổ hợp tác tài chính để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn.
Tại cuộc họp, đại biểu hai nước đã đề ra được một số định hướng cho hợp tác phát triển giữa hai nước thời gian tới, nhất là các vấn đề liên quan đến Hiệp định tín dụng khung giai đoạn 2016-2020.
“Những kết quả trên đây sẽ được phía Việt Nam báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc, qua đó tạo thêm nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người dân hai nước. Chúng tôi sẽ thông báo tới phía Hàn Quốc kết quả và phối hợp với các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc nhằm triển khai các hoạt động cụ thể tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết.
Được biết, cuộc họp do Bộ KH&ĐT Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chủ trì phối hợp cùng các cơ quan hữu quan hai nước nhằm cụ thể hoá thoả thuận giữa hai nước tại Đối thoại lần thứ nhất về Hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc ngày 21/6/2019 tại Seoul, Hàn Quốc; rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực từ Kỳ họp lần thứ 16 tháng 10/2017 tới nay.
Đồng thời, hai bên cũng sẽ đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới và chuẩn bị cho chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hàn Quốc tháng 11/2019.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()