“Quan hệ EU-Ấn Độ là trung tâm của chiến lược địa chính trị châu Âu”
Ngày 24-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ kéo dài hai ngày nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ.
Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của bà Ursula von de Leyen trên cương vị Chủ tịch EC.
Theo kế hoạch, bà Ursula von de Leyen có cuộc gặp với Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, hội đàm song phương với Thủ tướng Narendra Modi, gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar để thảo luận về nhiều nội dung hợp tác quan trọng như: Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số, vấn đề an ninh-quốc phòng và hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tất nhiên, một nội dung quan trọng không thể thiếu trong các cuộc thảo luận giữa hai bên là Chương trình nghị sự kinh tế rộng lớn giữa Ấn Độ và EU, bao gồm các hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư và các chỉ dẫn địa lý.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (bên trái) cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên phải) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome, Italy tháng 10-2021. Ảnh: The Tribune. |
Tờ The Times of India dẫn tuyên bố trước chuyến thăm từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ và EU có quan hệ đối tác chiến lược, hai bên đã và đang chứng kiến sự phát triển quan hệ hợp tác mạnh mẽ, sôi động và ngày càng sâu rộng trong các lĩnh vực: Chính trị và chiến lược, thương mại và kinh doanh, khí hậu và phát triển bền vững, công nghệ và kỹ thuật số, cũng như mối quan hệ giao lưu nhân dân”.
Trước đó, Financial Times dẫn lời một quan chức EU cho hay, EU đang chuẩn bị tuyên bố thành lập một hội đồng thương mại và công nghệ mới với Ấn Độ như một phần trong nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ EU-Ấn Độ, nhằm làm đối trọng với sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc. Hai bên cũng sẽ đề cập đến kế hoạch khởi động lại các cuộc đàm phán vào mùa hè này nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện EU-Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Deccan Herald. |
Bên cạnh đó, EU đang cố gắng thúc đẩy các biện pháp để Ấn Độ nới lỏng sự phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga. Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, một trong những mục tiêu của người đứng đầu EC trong chuyến thăm lần này là bán thiết bị quân sự do EU sản xuất cho Ấn Độ và các liên doanh tiềm năng “nhằm giảm sự phụ thuộc lâu nay của Ấn Độ vào công nghệ quốc phòng của Nga”. Trong cuộc chiến ở Ukraine, chính phủ các nước phương Tây đang hy vọng tìm cách lôi kéo New Delhi “rời khỏi mối quan hệ lâu đời” với Moscow.
Chuyến thăm của Chủ tịch EC diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson kết thúc chuyến công du hai ngày tới Ấn Độ với kết quả đạt được là hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng và nhất trí thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do Anh-Ấn Độ vào cuối tháng 10 năm nay.
Hàng loạt chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới thời gian qua đã cho thấy Ấn Độ ngày càng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Cả EU và Mỹ đều đang cố gắng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ-quốc gia mua vũ khí Nga hàng đầu trên thế giới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tham dự sự kiện “Thanh niên vì một tương lai xanh hơn” ở Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Trong thập kỷ qua, thương mại hàng hóa EU-Ấn Độ đã tăng 41% và thương mại dịch vụ tăng 76%. Theo tuyên bố chính thức của EU, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên năm 2020 lên tới 96 tỷ euro. EU là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Ấn Độ, chiếm 16% tổng vốn đầu tư mà nước này nhận được trong giai đoạn 2015-2020. Hiện có 4.500 công ty của EU đang hoạt động tại Ấn Độ, góp phần tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm trực tiếp và 5 triệu việc làm gián tiếp tại nước này.
Thời gian gần đây, Ấn Độ đã nổi lên với vai trò là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng năng lượng-lương thực do chiến sự Nga-Ukraine. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng trong năm tài chính 2022 (tính từ tháng 4-2021 đến tháng 3-2022) của Ấn Độ là 8,2% và dự kiến thậm chí còn cao hơn trong năm 2023. Cũng theo báo cáo của IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến là 4,4% năm 2022 và 5,1% vào năm 2023. Trong khi con số này của Mỹ tương ứng là 3,7% và 2,3%.
Với nhiều kết quả ấn tượng đạt được trong cả lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế, an ninh-quốc phòng…, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có sức ảnh hưởng lớn trên chính trường thế giới. Quốc gia này vẫn giữ được mối quan hệ tốt với Nga trong bối cảnh Moscow đang gánh chịu các lệnh cấm vận và trừng phạt khốc liệt từ Mỹ và phương Tây sau khi nước này tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tất cả góp phần lý giải vì sao EU đánh giá cao và mong muốn tăng cường mối quan hệ liên minh EU-Ấn Độ, coi mối quan hệ này là “trung tâm của chiến lược địa chính trị châu Âu”-như lời phát biểu của Chủ tịch EC Ursula von de Leyen.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()