Quân đội triển khai các công việc cấp bách phòng chống COVID-19
Thượng tướng Trần Đơn yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân làm tốt công tác rà soát, sẵn sàng đáp ứng, có các giải pháp đối phó với dịch COVID-19 theo 5 cấp độ dịch đã xác định.
Thượng tướng Trần Đơn phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 10/3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) Bộ Quốc phòng đã họp, triển khai các công việc cấp bách phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn 2.
Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Chống dịch như chống giặc
Theo QĐND, tại hội nghị, thay mặt cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần đã báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Quốc phòng.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã chủ động tham gia, tích cực phòng chống, không để dịch bệnh lây lan vào quân đội, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng tích cực phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong cả nước.
Đặc biệt, lực lượng quân y đã cùng ngành y tế cả nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho bộ đội và nhân dân. Hiện nay quân đội có 20/45 đội phản ứng nhanh quốc gia. Bộ đội Biên phòng là lực lượng đầu tiên tham gia tại các cửa khẩu và đường mòn, lối mở để chốt chặn biên giới, tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống dịch. Quân đội là lực lượng chủ yếu, đi đầu trong tiếp nhận, cách ly, chăm sóc công dân từ quốc gia có dịch về nước…
Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm dịch COVID-19 thứ 17 tại Hà Nội, thực hiện ý kiến của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Cục Quân y đã có điện khẩn chỉ đạo quân y các đơn vị tham mưu với cấp ủy, người chỉ huy rà soát, thống kê, tổ chức cách ly các đối tượng có tiếp xúc gần hoặc các diện tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc (F1, F2, F3, F4) để phòng chống lây nhiễm và sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân…
Sẵn sàng ứng phó các cấp độ dịch bệnh
Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn ghi nhận, biểu dương kết quả công tác phòng, chống COVID-19 của các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn 1, cũng như tinh thần chủ động, tích cực bước vào trận chiến với dịch COVID-19 trong giai đoạn 2.
Phân tích tình hình diễn biến phức tạp của dịch, nguy cơ xâm nhập, lây lan vào nước ta và khả năng có thể bùng phát lớn trên các cấp độ, Thượng tướng Trần Đơn yêu cầu Ban Chỉ đạo và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân làm tốt công tác rà soát, sẵn sàng đáp ứng, có các giải pháp đối phó với dịch COVID-19 theo 5 cấp độ dịch đã xác định.
Thượng tướng Trần Đơn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bộ đội và nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức phòng chống dịch COVID-19. Toàn quân quán triệt, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”; thực hiện nghiêm các kế hoạch, công văn của Ban chỉ đạo, hướng dẫn của ngành quân y;
Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho lực lượng tham gia tại các điểm cách ly; hạn chế tối đa người ra vào doanh trại; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ xe quân sự ra vào thành phố; nắm chắc số cán bộ, nhân viên có gia đình, người thân đang học tập, công tác, lao động, du lịch tại ở nước ngoài và khu vực có ổ dịch trong nước; hạn chế tối đa hội họp, tập trung đông người, nếu cần tăng cường họp bằng hình thức trực tuyến.
Cục Quân y chỉ đạo quân y các đơn vị phun thuốc khử trùng doanh trại và các khu vực được phân công. Bảo đảm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, có kế hoạch bảo đảm hậu cần trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
Các cơ quan, đơn vị dành thời gian (ngoài thời gian huấn luyện) để tổng dọn vệ sinh doanh trại; bổ sung thời gian huấn luyện 2 giờ/tuần về phòng, chống COVID-19; bảo đảm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên trong phòng, chống COVIS-19, tuyệt đối không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh song cũng không lo lắng, hoang mang; kết hợp tốt công tác phòng chống dịch COVIS-19 với phòng chống vi rút “trì trệ” trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch và nghiên cứu về mầm bệnh, các biện pháp chẩn đoán, điều trị; chủ động về thuốc men, các vật tư y tế, các bệnh viện, các tổ, đội phòng chống dịch, sẵn sàng cho mọi tình huống theo các cấp độ của dịch; bảo đảm tốt công tác phòng chống dịch COVIS-19 trong tổ chức các sự kiện quốc tế, bảo đảm môi trường an toàn và chăm sóc y tế chu đáo cho các đại biểu dự hội nghị đồng thời nghiên cứu; tham mưu, đề xuất sẵn sàng triển khai các giải pháp thực hiện Nghị định 71 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm…
Ý kiến ()