LSO-Điều 4 Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Sửa đổi năm 1992) có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, theo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy hiển nhiên Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã đặt thẳng vấn đề: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Cho nên “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tuy nhiên, với tư cách người lãnh đạo chính trị, Đảng quyết định các vấn đề về lý luận, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội và...
LSO-Điều 4 Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Sửa đổi năm 1992) có ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, theo chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Như vậy hiển nhiên Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã đặt thẳng vấn đề: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Cho nên “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Tuy nhiên, với tư cách người lãnh đạo chính trị, Đảng quyết định các vấn đề về lý luận, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, định hướng cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng thành pháp luật theo đúng các trình tự, thủ tục. Đảng không quyết định những chủ trương cụ thể thuộc phạm vi quản lý hành chính của Nhà nước.
Đảng cầm quyền thì tư cách của đảng phải chân chính, trong sạch, đủ khả năng lãnh đạo chính quyền và phải có lý luận cách mạng. Lý luận, học thuyết cách mạng là “trí khôn” của Đảng. Hồ Chủ tịch nói: “Một đảng cách mạng chân chính, vững mạnh thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Những cương lĩnh cách mạng đem lại cho đời sống những bước tiến mới, bảo đảm cho đất nước có một nền chính trị ổn định; một nhà nước dân chủ; một nền kinh tế và xã hội phát triển lành mạnh, tiến bộ, người với người sống với nhau trong tình nhân ái, công bằng; danh dự và phẩm giá con người được trân trọng, đề cao.
Đảng cầm quyền phải biết tìm ra và tuân theo một quy trình nghiêm ngặt để định ra đường lối, quyết sách chiến lược đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi ghềnh thác, hiểm trở để giành thắng lợi. Quy trình đó theo Hồ Chí Minh:1) Có tri thức, có lý luận cách mạng; 2) Khi xác định đường lối, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương; 3) Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát đường lối có đúng hay không; 4) Phải luôn luôn xem xét lại tất cả những công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng; 5) Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải phối hợp chặt chẽ với dân chúng và nâng cao được dân chúng; 6) Phải giữ vững tính cách mạng và dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát, phải biết cách tổ chức thực hiện và phải biết cách liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng; 7) Không khi nào được che giấu khuyết điểm, sự phê bình, phải luôn luôn xem xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào.
Đảng cầm quyền, không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Đó vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc xây dựng Đảng của Hồ Chí Minh. Độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vừa là mục tiêu của Đảng vừa là yêu cầu của việc xây dựng Đảng về tổ chức. Không thực hiện được mục tiêu đó, Đảng Cộng sản không có lý do gì để tồn tại. Theo Hồ Chí Minh một đảng chân chính cách mạng, đủ tư cách cầm quyền, là ở chỗ đảng đó lãnh đạo nhân dân để tổ chức ra được một nhà nước thực sự là công bộc của dân, nhà nước ấy từ trung ương đến các làng xã “đều là đầy tớ của nhân dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân”. Nhà nước ấy phải biết yêu dân, kính dân, thấy việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Vì “quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả”. Với tư cách nắm quyền lực, họ là đầy tớ, “như người lính vâng mệnh quốc dân ra mặt trận”.
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Nghĩa là, Đảng phải giữ được vai trò là người chỉ lối, dẫn đường cho nhân dân làm cách mạng, để nhân dân thực sự là người làm chủ nước nhà, nhân dân biết “chọn mặt gửi vàng”, biết ủy thác cho những người thay mặt mình đảm trách công việc của Nhà nước. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chính vì xây dựng được một tổ chức như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới giữ vững được vị trí cầm quyền.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một đảng trong điều kiện đã có chính quyền là phải phòng chống những căn bệnh “ác tính”, những nguy cơ làm cho Đảng bị tha hóa, không những không còn là người đầy tớ của nhân dân mà thậm chí còn biến thành cực đối lập với nhân dân. Khi cách mạng gặp khó khăn, việc chỉnh đốn Đảng được Người đề cập với thái độ bình tĩnh, sáng suốt, giúp cho Đảng không rơi vào tình trạng bị động, bi quan, dao động. Khi cách mạng trên đà thắng lợi, Người đã nêu vấn đề “trước hết phải chỉnh đốn Đảng” để ngăn ngừa bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, choáng ngợp trước những chiến công vĩ đại mà chủ quan, tự mãn, sa đọa, hủ hóa. Người nói: “có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song, đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng”. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng là để “cứu vớt” cán bộ, khôi phục đạo đức cách mạng cho họ và giáo dục, đưa họ trở lại con đường cách mạng; là khôi phục uy tín chính trị của Đảng với nhân dân. Đây là vấn đề cốt tử của một Đảng cầm quyền.
Khi Đảng Cộng sản với tư cách là đảng cầm quyền thì vấn đề tăng cường đoàn kết toàn dân, phát huy tính năng động sáng tạo và tinh thần làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài nhằm huy động được sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp kiến thiết đất nước có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Tìm người đức tài là một khâu trong toàn bộ chính sách cán bộ của Người. Hồ Chí Minh nói: “Cách mạng là một nghề, nghề nào cũng phải học”, cán bộ phải “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”. Nói tóm lại là phải “vừa hồng, vừa chuyên”, phải “hồng thắm, chuyên sâu”. Đối với cấp lãnh đạo và cơ quan tổ chức thì cần lựa chọn và sử dụng cán bộ cho đúng chỗ, đúng việc, vì việc mà chọn người, với quan điểm “dùng người như dùng gỗ”. Tư tưởng về công tác cán bộ bao hàm một tinh thần nhân dân, bao dung. Ai cũng có thể dùng được như gỗ nào thì cũng có việc ấy, theo khả năng của mỗi người mà góp tài, góp sức vào sự nghiệp chung.
Đảng cầm quyền là phải biết chăm sóc, vun trồng những mầm non cho đất nước, “vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, bởi vì thanh thiếu niên là người chủ tương lai của nước nhà. Non sông, Tổ quốc ta có hùng cường, có sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới được hay không một phần lớn là do công học tập, rèn luyện của thanh thiếu niên và phần còn lại là do chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ của Đảng.
Như vậy, tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền chính là Đảng phải luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để giữ gìn và phát huy thật đầy đủ “tư cách của một Đảng cách mạng chân chính”.
Mai Tùng
Ý kiến ()