Thứ 2, 25/11/2024 00:54 [(GMT +7)]
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác quản lý tài chính
Thứ 4, 25/08/2010 | 09:28:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nghiên cứu các bài viết, bài nói chuyện của Người về công tác quản lý tài chính có thể rút ra một số quan điểm quan trọng sau đây:
Thứ nhất , công tác quản lý tài chính phải lấy mục tiêu thúc đẩy tăng gia sản xuất làm cơ sở, quản lý phải bám sát thực tế.
Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm là hai mặt của một vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt thành một nhiệm vụ trọng đại của cách mạng. Theo Người, để nhiệm vụ cách mạng đi đến thành công thì phải quản lý tốt. Người nhấn mạnh “Muốn tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Quản lý tài chính được coi là tốt khi và chỉ khi công tác quản lý tài chính có tác động tích cực đến quá trình sản xuất kinh doanh, làm ra được nhiều của cải cho xã hội với năng suất chất lượng cao, tiết kiệm được nguồn nhân lực cho xã hội, tạo cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, cải thiện được đời sống của nhân dân.
Hồ Chủ tịch thăm xưởng cơ khí khu gang thép Thái Nguyên Ảnh: Tư liệu |
Công tác quản lý tài chính thực chất là quản lý nguồn lực của cải của quốc gia. Nguồn lực, của cải quốc gia là yếu tố đầu vào có tính quyết định đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nguồn lực đó luôn có giới hạn, song nhu cầu sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội thì vô hạn. Do đó, nguồn lực đó cần phải được quản lý một cách chặt chẽ, không được sử dụng lãng phí, đồng thời người cán bộ quản lý phải bám sát thực tế để điều hành, quản lý cho tốt. Với tinh thần đó, Người nói: “Trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế – tài chính là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bế tắc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, vị trí của công tác quản lý tài chính. Người cho rằng, công tác quản lý tài chính là công tác cách mạng.
Thứ hai , theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn thực thi công tác quản lý tài chính tốt, trước hết phải có thái độ đấu tranh không khoan nhượng với tệ tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu, kiên quyết tẩy trừ chúng ra khỏi đời sống kinh tế – xã hội.
Không thể có quản lý tài chính tốt nếu tệ tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu còn ngự trị trong đời sống kinh tế, xã hội. Bởi lẽ, còn bọn “giặc nội xâm” đó thì nguồn lực tài chính bị chiếm đoạt cho lợi ích cá nhân, không được sử dụng cho lợi ích của đất nước. Còn bọn “giặc nội xâm” đó, thì lòng tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng, đối với cách mạng sẽ bị xói mòn và là cơ hội cho giặc ngoại xâm thực hiện âm mưu thủ tiêu chế độ. Theo Người, chống tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính. Ngược lại, muốn quản lý tài chính tốt, trước hết phải đấu tranh thủ tiêu tệ tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu. Đó là lời di huấn mà Người để lại cho hậu thế chúng ta trong quá trình đổi mới công tác quản lý tài chính của Nhà nước.
Thứ ba , quản lý tài chính là sự nghiệp của toàn dân, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Người coi công tác quản lý tài chính là công tác cách mạng. Đã là công tác cách mạng thì phải do quần chúng tiến hành. Hơn nữa, thực chất quản lý tài chính là quản lý tiền bạc, của cải do quần chúng nhân dân làm ra. Chính vì vậy, quần chúng, nhân dân phải biết, phải kiểm tra tiền bạc, của cải của mình làm ra và đóng góp cho Nhà nước được sử dụng như thế nào. Người cho rằng quần chúng, nhân dân lao động tham gia quản lý là một đòi hỏi khách quan, coi công tác quản lý tài chính là sự nghiệp của quần chúng, tuyệt đối tin tưởng vào khả năng quản lý của quần chúng là vấn đề có ý nghĩa quan trong trong công tác quản lý tài chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong công tác quản lý tài chính, Người đánh giá cao vai trò công tác tuyên truyền, giải thích vận động quần chúng, coi đó là một phương pháp quản lý tài chính có hiệu quả. Để làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng, cán bộ là yếu tố có tính chất quyết định. Người cho rằng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng và Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu và thi hành, đồng thời đem tình hình dân chúng báo cáo Đảng và Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính.., Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính là khâu quan trọng và là một phương pháp tốt nhất để đưa công tác quản lý tài chính đi vào nề nếp. Để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính có hiệu quả, một mặt phải củng cố tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mặt khác hết sức quan trọng là phải dựa vào dân, phát động quần chúng nhân dân đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong quản lý kinh tế. Trong công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ thưởng, phạt kịp thời, nghiêm minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó có tác dụng khuyến khích các nhân tố tích cực, ngăn chặn các nhân tố tiêu cực. Tại kỳ họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966 bàn về cải tiến quản lý kinh tế – tài chính, một trong 6 việc Người đưa ra phải thực hiện cho tốt là “phải thưởng, phạt nghiêm minh. Hiện nay thưởng có khi quá rộng, mà phạt thì không nghiêm. Kỷ luật phải chặt chẽ. Phải kiên quyết chống những việc làm thiếu trách nhiệm, trái kỷ luật”.
Thưởng, phạt đúng, nghiêm minh là động lực quan trọng của công tác quản lý tài chính. Trong thực tế quản lý tài chính hiện nay vẫn còn xảy ra có hiện tượng bệnh thành tích, làm ít báo cáo nhiều. Công tác khen thưởng còn tràn lan, trong khi khuyết điểm thì được bao che, xấu trở thành tốt, tốt trở thành xấu. Hiện tượng đó chẳng những không giúp ích gì cho công tác quản lý mà còn phương hại đến phong trào thi đua yêu nước, làm tổn thương đến đạo đức cách mạng của người cán bộ. Vì vậy trong công tác thưởng phạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến tính nghiêm minh, Người phê phán kịch liệt bệnh chạy theo thành tích có ít nói nhiều.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()