Quan chức EU kêu gọi cấm Trung Quốc mua lại doanh nghiệp châu Âu
Người đứng đầu khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu cho biết ông ủng hộ EU ra lệnh cấm kéo dài 12 tháng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại các công ty châu Âu.
Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã phát biểu rằng khối này nên áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với việc các công ty Trung Quốc mua lại các công ty đang bị định giá thấp hoặc có vấn đề kinh doanh vì cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp COVID-19.
Trả lời phỏng vấn với tờ báo Welt am Sonntag của Đức và ngày 17/5, ông Manfred Weber, người đứng đầu khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu, nói rằng ông ủng hộ khối này ra lệnh cấm kéo dài 12 tháng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại các công ty châu Âu.
Ông Weber cho hay các công ty Trung Quốc, những người đang nhận được một phần hỗ trợ từ các quỹ nhà nước, đang ngày càng cố gắng mua lại các công ty châu Âu bị định giá thấp hoặc đang gặp khó khăn do khủng hoảng COVID-19. Do vậy, các nước EU cần phối hợp và chấm dứt hoạt động mua bán của Trung Quốc bằng cách áp dụng lệnh cấm 12 tháng đối với hoạt động này cho đến khi cuộc khủng hoảng y tế kết thúc.
Trong bài phỏng vấn, ông Weber nói rằng Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của EU trong tương lai, về cả kinh tế, xã hội và chính trị. Theo ông, châu Âu nên coi trọng Trung Quốc và thể hiện sự tôn trọng đất nước châu Á này như một cường quốc thế giới. Nhưng trên hết, EU phải cảnh giác và biết cách tự bảo vệ mình.
Hồi tháng trước, Chính phủ Đức đã đồng ý thắt chặt các quy tắc để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khỏi các vụ mua lại không mong muốn từ các nhà đầu tư bên ngoài EU. Động thái này diễn ra vào thời điểm nền kinh tế lớn nhất EU đang xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng của nước này.
Các quan chức Đức đã mô tả việc Trung Quốc tiếp quản công ty sản xuất robot Kuka ở Bavaria hồi năm 2016 như một lời cảnh tỉnh cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế.
Trung Quốc và EU đã tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư toàn diện vào năm 2013. Hai bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán kể từ đó. Song vấn đề gai góc chưa được giải quyết bao gồm khả năng tiếp cận thị trường đối ứng và một sân chơi bình đẳng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU dự kiến sẽ gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng Chín năm nay, mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên một số nghi ngờ về việc liệu cuộc họp có thể diễn ra như dự kiến hay không./.a
Ý kiến ()