Quan chức Đức phản đối trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức, bà Manuela Schwesig, cũng chỉ trích ý tưởng nhập khẩu khí đốt khai thác bằng công nghệ bẻ gãy thủy lực (fracking) của Mỹ như giải pháp thay thế.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern của Đức, bà Manuela Schwesig cho rằng không nên sử dụng dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 để trừng phạt Nga vì vụ nhân vật chỉ trích Chính phủ Nga Alexei Navalny bị đầu độc.
Bang Mecklenburg-Vorpommern ở miền Bắc nước Đức dự kiến là nơi lắp ráp đường ống ở đất liền để nối dòng khí đốt vận chuyển từ Nga tới Đức.
Phát biểu ngày 11/9 với các phóng viên tại cảng Mukran của Đức, bà Schwesig nhấn mạnh không nên sử dụng đường ống này “như một phương tiện trừng phạt” nhằm vào Moskva.
Bà nêu rõ: “Đường ống ở Biển Baltic không phải là một dự án của Nga và cũng không chỉ phục vụ lợi ích của Nga. Đường ống này trên hết là lợi ích của Đức và Tây Âu khi chúng tôi muốn đạt được sự chuyển đổi năng lượng.”
Chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cũng chỉ trích ý tưởng nhập khẩu khí đốt khai thác bằng công nghệ bẻ gãy thủy lực (fracking) của Mỹ như giải pháp thay thế.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thiện trên 90% khối lượng công việc.
Dự án dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2021 sẽ giúp tăng gấp đôi công suất của hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 hiện đang đưa khí đốt từ Nga đến Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cho đến nay vẫn kiên định ủng hộ dự án trên, vừa cho biết việc có tiếp tục dự án hay không sẽ là quyết định của các đối tác Liên minh châu Âu (EU), song trước tiên châu Âu cần đợi câu trả lời của Nga về việc làm sáng tỏ vụ ông Navalny bị đầu độc.
Hiện, phương Tây đang kêu gọi cần phải có hành động mạnh mẽ để trừng phạt Nga nếu Moskva không đưa ra lời giải thích cho điều mà Berlin coi là nỗ lực sát hại ông Navalny.
Việc rút lại sự ủng hộ đối với dự án sẽ là hình phạt kinh tế nặng nhất mà phương Tây áp đặt với Nga kể từ thời Liên Xô./.
Ý kiến ()