Quản chặt vận tải hành khách liên tỉnh, ngăn dịch lây lan
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 11h ngày 25/6, thế giới ghi nhận hơn 180 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 3,9 triệu ca tử vong, hơn 165 triệu trường hợp hồi phục. Việt Nam ghi nhận 14.323 ca mắc, trong đó 12.585 ca ghi nhận trong nước, 6.458 người khỏi bệnh, ra viện và 72 ca tử vong. Từ ngày 27/4 đến nay, 47 tỉnh, thành phố ghi nhận 10.542 ca mắc COVID-19, trong đó, 14 địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 12 địa phương không có lây nhiễm thứ phát. Các lực lượng đã truy vết gần 96.500 trường hợp F1; xét nghiệm hơn 94.500 trường hợp.
“Tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới, các lực lượng cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại TPHCM và Bình Dương”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định. Đến nay, cả nước đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR gần 5,5 triệu mẫu cho hơn 9,87 triệu lượt người.
Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch vẫn được kiểm soát, những điểm nóng như TPHCM, Đà Nẵng còn xuất hiện nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau, chưa xác định được. Những địa phương còn lại hầu hết ghi nhận các ca nhiễm mới ở trong vùng phong toả, cách ly.
Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng cần đánh giá kỹ, rà soát lại tình hình dịch bệnh ở những địa phương có nguy cơ cao để tập trung lực lượng cho những tỉnh nguy cơ rất cao.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Không để nơi tiêm chủng thành chỗ tập trung đông người
Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe Bộ Y tế báo cáo tình hình, tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như kế hoạch phân bổ vaccine cho các tỉnh, nhất là những nơi bị dịch đe doạ.
Tính đến ngày 24/6, cả nước đã tiêm được gần 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó hơn 2,6 triệu người được tiêm một liều; hơn 157.000 người tiêm đủ 2 liều. Đến nay, TPHCM đã tiêm được gần 300.000/hơn 870.000 liều vaccine được phân bổ.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc nhằm tổ chức tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, tiến hành tiêm chủng an toàn với 5 tiểu ban. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tổ chức các đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai; kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác chống dịch tại Hà Tĩnh, Tiền Giang, Nghệ An, Thái Nguyên. Đơn vị thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TPHCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trên địa bàn hỗ trợ, tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; xây dựng Sổ sức khỏe điện tử phục vụ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Ban Chỉ đạo lưu ý công tác tổ chức tiêm chủng phải hết sức an toàn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Qua phản ánh ở một số nơi cho thấy không chỉ tại TPHCM, Hà Nội mà cả một số địa phương khác, có những điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tổ chức hoạt động chưa tốt, để xảy ra tình trạng tập trung đông người chờ tiêm, không đảm bảo khoảng cách an toàn, phòng, chống lây nhiễm. Bộ Y tế cần khẩn trương chấn chỉnh ngay tình trạng này.
“Tuyệt đối không để nơi tiêm chủng thành chỗ tập trung đông người, dễ lây nhiễm”, Phó Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện các công cụ đã được giao để công tác đăng ký, tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn.
Toàn cảnh cuộc họp – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Kiểm soát chặt vận tải hành khách liên tỉnh
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn rất kỹ, đánh giá nguy cơ rất cao dịch bệnh lây lan từ nơi này sang nơi khác qua hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ đã chỉ đạo, đôn đốc các cục, tổng cục chuyên ngành đường bộ, hàng không, đường sắt bám sát tình hình dịch bệnh để triển khai các giải pháp giao thông phù hợp. Hiện nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, nhiều tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh, đường hàng không… phải cắt giảm hoặc tạm dừng hoạt động nhưng vẫn có khoảng 54% số lượng xe khách hoạt động (khoảng 462.000 xe, tương đương gần 1 triệu lái xe và phụ xe).
Đáng chú ý, việc quản lý các bến cóc, xe dù gặp nhiều khó khăn; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát việc vận chuyển người giữa các tỉnh, đặc biệt di chuyển từ vùng dịch.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, trên cả nước gần 400.000 điểm quét QR-Code để thực hiện khai báo y tế điện tử, quản lý người đi, đến.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã chỉ đạo xây dựng xong một số phần mềm quản lý, giám sát vận chuyển hành khách trên các phương tiện vận tải công cộng. Bộ TT&TT sẽ có ngay văn bản gửi Bộ GTVT khẩn trương hướng dẫn các nhà xe cài đặt các phần mềm này.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đến nay, hoạt động vận tải hàng hóa cơ bản được vận hành thông suốt với việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR-Code để kiểm tra thông tin phương tiện vận tải, người lái xe. Tuy nhiên, việc đáng lưu ý là còn tình trạng các xe bắt khách dọc đường, không thực hiện khai báo y tế. Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông đề nghị ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, sử dụng camera hành trình giám sát toàn bộ chuyến đi trên xe…
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xem xét giải pháp sử dụng mã QR trên thẻ BHYT, căn cước công dân, qua phần mềm khai báo y tế như Bluzone, NCOVI được cài đặt trên điện thoại thông minh cá nhân để thực hiện quản lý hành khách trên xe.
Các địa phương rà soát lại tất cả điểm dừng, các trạm dừng chân, trạm xăng, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật lên bản đồ antoancovid.vn, có thiết bị đọc QR-Code; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn tập huấn phòng, chống dịch, xét nghiệm sàng lọc nhân viên làm ở những nơi này. Khi dừng tại các điểm nghỉ, trạm xăng trên tuyến vận tải, lái xe và các hành khách phải thực hiện quét QR-Code. Nơi nào không thực hiện phải xử lý nghiêm.
Bộ GTVT, Bộ TT&TT và Bộ Công an tập huấn, hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra các nhà xe thực hiện cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý, giám sát vận chuyển hành khách, chỉ những xe khách đã cài đặt phần mềm mới được hoạt động.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe lãnh đạo Bộ VHTT&DL báo cáo về việc phối hợp với Bộ Y tế, tỉnh Kiên Giang thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).
Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần phải tuyệt đối an toàn, trước hết phải khẩn trương thực hiện thí điểm, kiểm soát thật chặt việc cách ly tập trung 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; hoàn thành các công cụ giám sát việc thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại nhà.
Đối với việc đón khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục bàn bạc, thảo luận, xem xét các phương án trên tinh thần phục vụ mục tiêu kép, phát triển kinh tế nhưng phải tuyệt đối an toàn.
Ý kiến ()