Quản chặt chất lượng dược liệu, vị thuốc tại bệnh viện
Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực kiểm soát chất lượng dược liệu tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Dù có thủ tục đấu thầu với hàng rào kỹ thuật về chất lượng nghiêm ngặt nhưng dược liệu, vị thuốc kém chất lượng vẫn “lọt lưới” vào bệnh viện.
Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), sở dĩ xuất hiện nhiều dược liệu kém chất lượng trong bệnh viện là do hội đồng kiểm nhập thuốc của một số bệnh viện không quan tâm kiểm tra chủng loại, chất lượng, trong khi hàng thật, hàng giả trên thị trường trà trộn rất tinh vi. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở kinh doanh dược liệu luôn có sẵn hai loại hàng bao gồm dược liệu chất lượng tốt, đúng chi, loài và dược liệu chất lượng kém, sai chi, loài để pha trộn khi cung cấp. Mặc dù một số bệnh viện tổ chức đấu thầu thuốc chế biến nhưng khi cung cấp cho người bệnh lại dùng dược liệu chưa chế biến, có thể gây tác dụng phụ hoặc phản ứng có hại cho người bệnh.
Không chỉ kiểm soát dược liệu, vị thuốc lỏng lẻo mà khi xảy ra vi phạm chất lượng, những bệnh viện này còn nương tay trong xử lý. Trong đợt kiểm tra tại tỉnh Kiên Giang từ ngày 8 đến 12-8 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành y tế – bảo hiểm xã hội đã phát hiện 22 loại dược liệu cùng số lô 122015 cung cấp cho Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang và một số bệnh viện đa khoa huyện trên địa bàn không bảo đảm chất lượng. Theo Thông tư 09/2010/TT-BYT thì dược liệu vi phạm như nêu trên phải được tiêu hủy, nhưng Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang đã trả lại cho đơn vị cung cấp thuốc với lời giải thích: Thành lập hội đồng tiêu hủy rất phức tạp (?). Không ít người lo ngại số dược liệu kém chất lượng ấy có thể tiếp tục bị tuồn ra thị trường hoặc đưa vào các cơ sở y tế khác với những vỏ bao bì mới, số lô, số mẻ mới và người bệnh có nguy cơ “tiền mất, tật mang”. Theo một doanh nghiệp kinh doanh dược liệu, việc doanh nghiệp được tự xử lý hàng kém chất lượng đã thành thông lệ và doanh nghiệp không dại gì “đốt” tiền của mình, luôn tìm cách tuồn vào các cơ sở y tế khác có chuyên môn hạn chế trong nhận biết chất lượng dược liệu hoặc bán rẻ cho các đơn vị chế biến thành cao làm thuốc.
Trong khi đó, công tác kiểm tra của cơ quan chức năng mới chỉ tập trung kiểm soát dược liệu, vị thuốc tại nơi đầu nguồn như cửa khẩu, kho chứa của các đơn vị kinh doanh mà chưa quan tâm nhiều tới các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng dược liệu, vị thuốc. Mỗi năm có hơn 40 nghìn tấn dược liệu vận chuyển trái phép vào trong nước và chỉ khoảng 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và không ai dám chắc người bệnh được sử dụng đầy đủ thuốc có nguồn gốc, chất lượng bảo đảm. Do đó, thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng, ban hành các quy định phục vụ cho quản lý chất lượng dược liệu, Bộ Y tế cần tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc không bảo đảm chất lượng để điều trị cho người bệnh; kiểm soát chặt số dược liệu, vị thuốc nhập khẩu về cũng như số hàng đã trúng thầu tại các bệnh viện để ngăn chặn doanh nghiệp đưa dược liệu, vị thuốc trôi nổi, kém chất lượng vào bệnh viện.
Cùng với việc phòng, chống buôn lậu dược liệu tại các cửa khẩu thì kiểm soát, nhằm bảo đảm đưa dược liệu “sạch” vào bệnh viện là giải pháp hiệu quả để thị trường dược liệu hoạt động minh bạch, tạo hiệu quả thiết thực trong chăm sóc sức khỏe người bệnh; giúp ngành dược liệu trong nước phát triển đúng hướng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()