Quản Bạ (Hà Giang): Tìm cách làm giàu trên Cao nguyên đá
Với đặc thù dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, đất canh tác ít, rất khó khăn để phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Thường vụ Huyện ủy Quản Bạ (Hà Giang) đã nỗ lực tìm nhiều phương án thoát nghèo cho bà con trên chính mảnh đất quê hương.
Với đặc thù dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, đất canh tác ít, rất khó khăn để phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Thường vụ Huyện ủy Quản Bạ (Hà Giang) đã nỗ lực tìm nhiều phương án thoát nghèo cho bà con trên chính mảnh đất quê hương.
Đồng chí Phạm Hồng Thu, Bí thư Huyện ủy cho biết, Quản Bạ là cửa ngõ của Cao nguyên đá Đồng Văn, đất sản xuất rất ít, lại ảnh hưởng của tiểu vùng khí hậu ít mưa, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, 2 vụ ngô, rất khó phát triển nông nghiệp. Để tăng năng suất cây trồng, Huyện ủy, chính quyền nhân dân các cấp đã trăn trở bàn bạc, thường xuyên khuyến khích người dân thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, tuy nhiên những cố gắng đó chưa đạt được hiệu quả cao do vì người dân nơi đây vẫn mang nặng tập quán sản xuất quảng canh, tự cấp tự túc, sản xuất nhỏ lẻ.
Người dân Quản Bạ trên cánh đồng trồng ngô, lanh. |
Mặt khác, Huyện ủy đã nhận thấy Cao nguyên đá Đồng Văn chính là thế mạnh của huyện để phát triển dịch vụ du lịch. Nhưng làm thế nào để thu hút khách du lịch về với huyện, trong khi địa bàn chỉ toàn núi và đá? Tập thể Huyện ủy đã bàn bạc, tính toán và tìm hướng đi nhằm thu hút khách du lịch, bắt đầu từ việc xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Hai năm trước, huyện đã phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới với sự góp sức của các doanh nghiệp, và đã nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn với số tiền trên 600 triệu đồng, cùng với sự đóng góp của nhân dân, nhiều xã trong huyện đã thực hiện được nhiều tiêu chí nông thôn mới, tiêu biểu như ở thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ, đến nay đã đáp ứng được 7/10 tiêu chí nông thôn mới. Nhờ thế, số lượng khách đến Quản Bạ ngày một tăng. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, tổng số lượng khách đến thăm quan du lịch là trên 2.000 lượt người. Con số này tuy chưa lớn nhưng cũng là mở đầu một xu hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.
Huyện ủy, chính quyền nhân dân các cấp cũng quan tâm đến phát triển những vùng chuyên canh đặc sản là thế mạnh của huyện. Việc xây dựng thương hiệu Gà xương đen là một ví dụ tiêu biểu. Huyện đã tạo điều kiện để Công ty cổ phần Gà xương đen hoạt động và phát triển tại xã Quyết Tiến. Thời gian đầu, do có dự án Caritas của Thụy Sĩ, những hộ gia đình tham gia dự án được hỗ trợ thuốc thú y, thức ăn cho gà và một phần kinh phí để làm chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đến nay, kinh phí dự án đã hết, nhưng các hộ gia đình vẫn tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi gà xương đen bởi giá trị kinh tế cao với khoảng trên 200 hộ nuôi, quy mô khoảng 300 con/đàn. Doanh thu của mỗi hộ gia đình cũng lên tới hàng trăm triệu/năm. Sản phẩm gà xương đen của Quản Bạ đã tạo được thương hiệu và đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Điện Biên, Thái Nguyên…
Những chồi ngô non trên núi đá khô cằn |
Nhận thấy Quản Bạ là vùng đất khí hậu Á nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám rất phù hợp để trồng cây dược liệu, đầu năm 2012, Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh đã triển khai dự án “rau, hoa, cây dược liệu” trên địa bàn huyện. Tháng tư vừa qua, Khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao của Công ty đã được khởi công. Những giống cây dược liệu đầu tiên được trồng thử nghiệm tại xã Quyết Tiến đã bén rễ, sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Theo đánh giá bước đầu của các chuyên gia nước ngoài, chất lượng dược liệu trồng tại vùng dự án rất tốt. Các loại cây dược liệu như: Thảo quả, hương thảo, ấu tẩu, giảo cổ lam đều phát triển xanh tốt trên vùng đất Cao nguyên đá.
Với quy mô sản xuất khoảng 100 ha, Công ty đã xuống giống được khoảng 30 giống dược liệu, trong đó có 20 loại thuộc danh mục dược liệu khuyến khích sản xuất của Bộ Y tế, tạo công ăn việc làm cho khoảng 130 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, với mức lương bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Đây là cơ hội tốt để người dân Quản Bạ có thêm việc làm, thu nhập. Do đó, huyện đã tạo điều kiện tốt nhất để Công ty có môi trường đầu tư thuận lợi, yên tâm đầu tư vào vùng dự án; chỉ đạo Trung tâm dạy nghề của huyện sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phối hợp với Công ty mở các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất rau, hoa và cây dược liệu. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện để công ty tuyển dụng lao động địa phương.
Đồng chí Phạm Hồng Thu tâm sự, hiện nay, kinh tế của người dân xã Quyết Tiến có khá hơn, nhưng các xã lân cận vẫn còn nghèo lắm. Huyện ủy đã chỉ đạo ngành chức năng, cấp ủy chính quyền các xã tập trung triển khai phát triển vùng rau, hoa, cây dược liệu mở rộng sang các xã lân cận như: Tùng Vài, Quản Bạ, Thanh Vân và thị trấn Tam Sơn, động viên nhân dân các xã trong huyện tham gia trồng cây dự án để vừa có thêm thu nhập, vừa giúp Công ty có nguồn nguyên liệu tốt tại chỗ. Hy vọng, cùng với sự phát triển của dự án, người dân địa phương sẽ có điều kiện phát triển kinh tế tốt, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()