Quá trình nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất phù hợp
Quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là quy luật xuyên suốt và chi phối sự phát triển của xã hội loài người, phát huy tác dụng trong mọi hình thái kinh tế - xã hội. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tồn tại, vận động và phát triển trong một thể thống nhất. Quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là quan hệ tương tác giữa hai bộ phận cấu thành trong một chỉnh thể của phương thức sản xuất; trong đó, lực lượng sản xuất là nội dung vật chất của phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất là hình thái xã hội của sự tồn tại, phát triển phương thức sản xuất. Đây là mối quan hệ giữa hai mặt hợp thành một chỉnh thể, là phương thức sản xuất, chúng không tách rời nhau mà quy định lẫn nhau. Mối quan hệ tương tác này tác động đến sự thay đổi và phát triển của phương thức sản xuất, do đó tác động đến sự phát triển của xã hội.I- Trong suốt quá trình đổi mới 25...
Quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là quy luật xuyên suốt và chi phối sự phát triển của xã hội loài người, phát huy tác dụng trong mọi hình thái kinh tế – xã hội. Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tồn tại, vận động và phát triển trong một thể thống nhất. Quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là quan hệ tương tác giữa hai bộ phận cấu thành trong một chỉnh thể của phương thức sản xuất; trong đó, lực lượng sản xuất là nội dung vật chất của phương thức sản xuất và quan hệ sản xuất là hình thái xã hội của sự tồn tại, phát triển phương thức sản xuất. Đây là mối quan hệ giữa hai mặt hợp thành một chỉnh thể, là phương thức sản xuất, chúng không tách rời nhau mà quy định lẫn nhau. Mối quan hệ tương tác này tác động đến sự thay đổi và phát triển của phương thức sản xuất, do đó tác động đến sự phát triển của xã hội.
I- Trong suốt quá trình đổi mới 25 năm qua, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển nhận thức về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trên tổng thể và đối với từng yếu tố cấu thành của quan hệ sản xuất. Đó là một quá trình vận động, phát triển liên tục về nhận thức thông qua lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đã đem lại những thành tựu to lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội XI của Đảng đã kế thừa và phát triển những thành tựu của đổi mới, đề ra quyết sách quan trọng cho những năm sắp tới.
Có thể khái quát quá trình phát triển đó đến Đại hội XI trên các mặt sau đây :
1- Quá trình vận động, phát triển nhận thức xét trên tổng thể về yêu cầu xây dựng và hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất 'phù hợp' với trình độ phát triển lực lượng sản xuất để thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất
Trong thời kỳ đầu, sau giải phóng miền bắc, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã nhấn mạnh thái quá vai trò 'tích cực' của quan hệ sản xuất, dẫn đến chủ trương quan hệ sản xuất phải đi trước, mở đường để tạo động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất.
Trải qua một thời kỳ dài 15 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, trong điều kiện vừa sản xuất vừa chiến đấu và 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, chúng ta đã có một bước vận động, phát triển nhận thức quan trọng, đã xác định phải đồng thời tiến hành xây dựng quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất trong mối quan hệ mật thiết với nhau.
Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta đã ngày càng khẳng định rõ: Phải từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm phát triển lực lượng sản xuất, coi đó là tiêu chuẩn đánh giá việc xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI nhận định: Chúng ta chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Đại hội khẳng định phải giải phóng sức sản xuất, đã đưa ra chủ trương điều chỉnh lớn cơ cấu sản xuất, bố trí lại cơ cấu đầu tư; xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất; cải tạo xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động.
Đại hội VII, Cương lĩnh của Đảng đã nêu định hướng: phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, phải thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu.
Đại hội VIII xác định: Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đại hội yêu cầu phải lấy việc giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu trong việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức kinh doanh.
Đại hội IX khẳng định rõ thêm: Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Đại hội chỉ rõ: Tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội.
Đại hội X đã khái quát một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: 'Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất'.
Qua tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, kế thừa và phát triển tinh thần Đại hội X, Đại hội XI đã xác định, một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là 'có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp'.
2- Quá trình vận động, phát triển nhận thức về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm không ngừng giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy cao độ mọi nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong thời kỳ đầu, sau giải phóng miền bắc, đã phân định tách bạch thuần khiết chế độ sở hữu và thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, phi xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối hóa vai trò của chế độ công hữu, dẫn đến chủ trương cải tạo, sớm xóa bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng ta đã có những bước phát triển cơ bản trong nhận thức, ngày càng khẳng định rõ phải đa dạng hóa các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất (trình độ tích tụ vốn thấp, đan xen nhiều quy mô, cấp độ phát triển); các thành phần kinh tế, thuộc mọi hình thức sở hữu đa dạng, đều là bộ phận hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Đại hội VI đã phê phán: Về cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới, sử dụng các thành phần kinh tế đã có những biểu hiện nóng vội muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa; không ít tổ chức kinh tế được gọi là công tư hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chỉ có hình thức, không có thực chất của quan hệ sản xuất mới. Đại hội đã chủ trương bằng những biện pháp thích hợp, sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; cho phép những nhà tư sản nhỏ tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nghề thuộc khu vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước; với quy mô và phạm vi hoạt động được quy định theo ngành nghề và mặt hàng.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) đã có bước phát triển đột phá về chính sách đối với các thành phần kinh tế, khẳng định: Chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội và thể hiện tinh thần dân chủ về kinh tế, bảo đảm cho mọi người được làm ăn tự do theo luật pháp. Trong nền kinh tế quốc dân thống nhất do Nhà nước hướng dẫn, kiểm soát và điều tiết với kinh tế quốc doanh nắm những vị trí then chốt, các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế vừa hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật; cần xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử không đúng và các hình thức độc quyền kìm hãm xu thế ấy. Kinh tế quốc doanh cần có lực lượng đủ sức chi phối thị trường, song không nhất thiết chiếm tỷ trọng lớn trong mọi ngành nghề; những ngành nghề, loại hoạt động nào mà kinh tế hợp tác xã, kinh tế gia đình, kinh tế tư nhân có thể làm tốt, có lợi cho nền kinh tế thì nên tạo điều kiện cho các loại hình kinh tế ấy phát triển. Trong điều kiện của nước ta, các hình thức kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu của nền kinh tế hàng hóa đi lên chủ nghĩa xã hội.
Phát triển quan điểm của Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI), Đại hội VII đã nêu rõ: Phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, bổ sung cho nhau trong nền kinh tế quốc dân thống nhất. Các đơn vị kinh tế thực hiện quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện.
Đại hội IX, Đại hội X đã có những đổi mới khá cơ bản về chính sách đối với các thành phần kinh tế nhằm tiếp tục giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài để phát triển. Trong đó, điều quan trọng nhất là đã khẳng định các thành phần kinh tế đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp. Kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, doanh nghiệp nhà nước giữ những vị trí then chốt; kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó kinh tế hợp tác xã là nòng cốt; kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển mạnh hình thức kinh tế đa sở hữu mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần (ngày càng phát triển, trở thành hình thức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa kinh doanh và sở hữu).
Đại hội X khẳng định rõ chủ trương: Xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu. Nhà nước chỉ thực hiện sự ưu đãi hoặc hỗ trợ phát triển đối với một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm; một số mục tiêu như xuất khẩu, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục rủi ro; một số địa bàn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kế thừa và phát triển tinh thần Đại hội X, Đại hội XI đã xác định rõ thêm: Phải 'Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế' 'Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo' 'bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế'.
3- Quá trình vận động, phát triển nhận thức về cơ chế quản lý kinh tế để phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phát huy cao độ các nguồn lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, để phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phát huy được cao độ mọi nguồn lực cho phát triển, Đảng ta đã dứt khóat xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế vận hành của nền kinh tế hàng hóa, và tiếp đó là cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội VI đã tổng kết và phê phán cơ chế quản lý kinh tế trước đổi mới là cơ chế 'tập trung quan liêu, bao cấp'. Cơ chế đó từ nhiều năm không tạo được động lực phát triển, kìm hãm sản xuất, gây rối loạn trong phân phối lưu thông và làm phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội.
Từ Đại hội VI, Đảng ta đã không ngừng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế gắn với yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội VI đã chủ trương, việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo hướng xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế.
Đại hội VII đã rút ra một trong những kinh nghiệm bước đầu về tiến hành công cuộc đổi mới là: Đổi mới về kinh tế, chuyển nền kinh tế mang nặng tính tự cấp, tự túc với cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là hoàn toàn cần thiết để giải phóng và phát huy các tiềm năng sản xuất kinh doanh trong xã hội.
Đại hội VIII, IX và X đều nhấn mạnh yêu cầu đổi mới sâu rộng cơ chế quản lý kinh tế, phát huy những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường.
Kế thừa và phát triển những thành tựu của quá trình đổi mới, Đại hội XI xác định: 'Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế…'.
4- Quá trình vận động, phát triển nhận thức về chế độ phân phối phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm tạo động lực để phát triển.
Để tạo được động lực phát triển, phải công bằng trong phân phối. Vấn đề bảo đảm công bằng trong phân phối, bao gồm cả việc phân phối tư liệu sản xuất và phân phối kết quả làm ra, đã luôn được các nhiệm kỳ đại hội đề cập tới và có những đổi mới khá cơ bản.
Từ chỗ trên thực tế, công bằng xã hội trong phân phối được thực hiện theo nghĩa bình quân, cào bằng; đã có những bước nhận thức ngày càng đúng đắn, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhiều hình thức phân phối, cùng với phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đã ngày càng phát triển hình thức phân phối theo kết quả đóng góp, đồng thời thực hiện phân phối qua phúc lợi xã hội và phân phối qua hệ thống an sinh xã hội.
Đại hội VIII đã chỉ rõ: Công bằng xã hội không chỉ được thực hiện trong phân phối kết quả sản xuất, mà còn được thực hiện ở khâu phân phối tư liệu sản xuất, ở việc tạo ra những điều kiện cho mọi người phát huy tốt năng lực của mình.
Đại hội X xác định : Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội; đồng thời phải hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) yêu cầu: Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên
cung – cầu về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức cạnh tranh về việc làm.
Kế thừa và phát triển những thành tựu của quá trình đổi mới, Đại hội XI đã xác định: 'Công bằng trong phân phối các yếu tố sản xuất, tiếp cận và sử dụng các cơ hội, điều kiện phát triển. Phân phối kết quả làm ra chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()