Quá hạn, vẫn còn trên 30 địa phương chưa chọn được sách giáo khoa
Việc chậm trễ trong chọn sách sẽ có thể ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch tập huấn sách giáo khoa mới của các địa phương, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong năm học mới.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 5/4 là hạn cuối các địa phương phải công bố danh sách sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 được lựa chọn để sử dụng cho năm học mới 2021-2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn còn trên 30 địa phương chưa chốt được sách giáo khoa.
Việc chậm trễ trong chọn sách sẽ có thể ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch tập huấn sách giáo khoa mới của các địa phương, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong năm học mới.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo từ các địa phương đã chọn sách giáo khoa cho thấy không có địa phương nào chỉ chọn một bộ sách mà đều chọn sách từ các bộ khác nhau. Điều này đã thể hiện đúng chủ trương đa dạng sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các sách giáo khoa được lựa chọn đều phải thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định 709/QĐ-BGDĐT (đối với sách giáo khoa lớp 2) và Quyết định số 718/QĐ-BGDĐT (đối với sách giáo khoa lớp 6). Danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm có ba sách giáo khoa được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa.
Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có ba sách giáo khoa; môn Tin học có hai sách và môn Tiếng Anh có 8 sách giáo khoa được phê duyệt.
Các sách giáo khoa này thuộc bốn đơn vị xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh./.
Ý kiến ()