Vòng đàm phán trực tiếp thứ hai giữa Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu và Tổng thống Pa-le-xtin M.áp-bát theo kế hoạch diễn ra tại khu nghỉ mát Sam En Sếch bên bờ biển Đỏ của Ai Cập vào ngày 14-9. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong kế hoạch gặp định kỳ một tháng hai lần nhằm khai thông bế tắc sau thời gian dài các cuộc thương lượng giữa hai bên bị đình trệ. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm những thỏa thuận mang lại hòa bình ở Trung Đông đang gặp nhiều trở ngại, nhất là vấn đề định cư và TP Giê-ru-xa-lem.
I-xra-en và Pa-le-xtin lần đầu nối lại đàm phán trực tiếp tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) ngày 2-9 vừa qua sau gần hai năm đình trệ, kể từ khi I-xra-en tiến hành cuộc tiến công dải Ga-da tháng 12-2008. Tại vòng đàm phán này, I-xra-en và Pa-le-xtin đã thỏa thuận đại diện của hai bên sẽ gặp nhau hai tuần một lần trong vòng một năm tới nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài. Những vấn đề cốt lõi như an ninh, các đường biên giới, quy chế của người tị nạn Pa-le-xtin và quy chế của TP Giê-ru-xa-lem được đưa ra thảo luận. Cả Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu và Tổng thống Áp-bát đều đồng ý về những điều khoản để thảo luận về một hòa ước, đồng thời nhất trí đàm phán có thể hoàn tất trong vòng một năm với mục tiêu giải quyết tất cả những vấn đề.
Cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 kéo dài trong sáu ngày, I-xra-en đã đánh chiếm các vùng đất của Pa-le-xtin gồm dải Ga-da, khu Bờ Tây sông Gioóc-đan, thành cổ Giê-ru-xa-lem. Sau chiến tranh, I-xra-en đã đưa người Do Thái lập các khu định cư ở các vùng đất chiếm đóng này với quy mô ngày càng mở rộng. Kể từ khi bắt đầu tiến trình hòa bình theo Hiệp ước Ô-xlô 1993 đến nay, số dân định cư Do Thái ở khu Bờ Tây đã tăng gấp ba lần, từ 110 nghìn người lên hơn 300 nghìn người sống trong 121 khu định cư và 100 khu nhà ở khác. Tại Đông Giê-ru-xa-lem cũng có khoảng 200 nghìn người định cư Do Thái. Mối hận thù giữa người Do Thái và người A-rập ngày càng bị khoét sâu và biến những vùng đất này thành điểm nóng xung đột. Việc bảo đảm an ninh cho người Do Thái, đồng thời phải kiến tạo hòa bình với người A-rập luôn là vấn đề đau đầu với các giới chức I-xra-en. Trong các cuộc đàm phán suốt 17 năm qua,I-xra-en luôn coi Giê-ru-xa-lem, gồm cả phần phía Đông của người A-rập mà họ chiếm đóng sau cuộc chiến tranh năm 1967, là thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt của Nhà nước Do Thái. Trong khi đó, Pa-le-xtin kiên quyết cho rằng phần phía Đông của TP này sẽ là Thủ đô của Nhà nước Pa-le-xtin trong tương lai. Đối với những vấn đề “gai góc” này, ngay trong nội bộ I-xra-en cũng bộc lộ sự khác biệt về quan điểm. Các đảng cánh hữu luôn muốn “bảo vệ” những quyền lợi mà họ đã giành được từ cuộc đánh chiếm như một thành quả, trong khi một số nhà chính trị lại mong muốn “đổi đất lấy hòa bình”. Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en E.Ba-rắc từng cho biết, nước này có thể trao cho người Pa-le-xtin một phần Giê-ru-xa-lem trong khuôn khổ một hiệp định toàn diện, theo đó sẵn sàng nhượng lại các khu vực A-rập ở Đông Giê-ru-xa-lem cho Nhà nước Pa-le-xtin tương lai. Theo ông Ba-rắc, giải pháp chia cắt Giê-ru-xa-lem có thể sẽ được phía I-xra-en chấp thuận gắn liền với một “chế độ quản trị đặc biệt” vùng đất Thánh này. Tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với quan điểm của Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu, người từng nhiều lần khẳng định Giê-ru-xa-lem là thủ đô không thể bị chia cắt của I-xra-en và sẽ không thảo luận vấn đề này trong bất kỳ thỏa thuận nào với Pa-le-xtin. Giải pháp chia Giê-ru-xa-lem cũng đã từng được Thủ tướng tiền nhiệm E.Ôn-mớt đưa ra cách đây hai năm khi đàm phán với nhà lãnh đạo Pa-le-xtin Áp-bát, nhưng đã thất bại. Vì vậy, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố các cuộc đàm phán lần này chắc chắn sẽ có “những nhượng bộ khó khăn” từ cả hai phía.
Các bên liên quan và các nhà phân tích đều tỏ ra dè dặt, có nhiều ý kiến không mấy lạc quan về kết quả các cuộc đàm phán. Bởi, trong suốt 17 năm qua, hai bên vẫn mắc ở những vấn đề cốt lõi không thể vượt qua. Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu nhắc lại các điều kiện để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình, theo đó, phải công nhận I-xra-en là Nhà nước của người Do Thái, chấm dứt xung đột và mọi đòi hỏi đối với I-xra-en. Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu cho rằng để đạt được những giải pháp thực tế, cần nghĩ đến những giải pháp mới cho những vấn đề cũ. Trong khi đó, Tổng thống Pa-le-xtin M. Áp-bát hối thúc I-xra-en chấm dứt mọi hoạt động xây dựng các khu định cư và chấm dứt phong tỏa dải Ga-da. Tuy nhiên, ông Nê-ta-ni-a-hu chưa đưa ra cam kết nào về việc kéo dài thời hạn ngừng xây dựng khu định cư nhằm bảo đảm cho cuộc đàm phán. Các đảng cánh hữu trong liên minh cầm quyền của ông Nê-ta-ni-a-hu đang gây sức ép không gia hạn lệnh tạm ngừng xây dựng các khu định cư của I-xra-en sẽ hết hiệu lực vào ngày 26-9 tới. Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát luôn khẳng định, nếu I-xra-en không chấm dứt việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây thì tiến trình hòa bình sẽ chấm dứt, đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán mới thất bại. Liên đoàn A-rập (AL) chỉ trích lập trường của I-xra-en tiếp tục các hoạt động xây dựng khu định cư bởi đây là dấu hiệu cho thấy đàm phán “thất bại từ trước khi bắt đầu” và “I-xra-en không thật sự muốn hòa bình”. AL cho rằng, cơ sở để hy vọng đàm phán thành công cũng phụ thuộc vào sức ép của Mỹ đối với Ten A-víp. Một trở ngại lớn khác đối với cuộc đàm phán hòa bình này là Phong trào Hồi giáo Ha-mát, hiện kiểm soát dải Ga-da, vẫn kịch liệt phản đối đàm phán trực tiếp với I-xra-en và tiến hành các vụ bắn rốc-két vào I-xra-en. Xung đột giữaI-xra-en và Pa-le-xtin tiếp diễn ngay cả khi các cuộc đàm phán đang được xúc tiến.
Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtin được khởi động sau thời gian dài bị đình trệ đang được dư luận thế giới quan tâm theo dõi với thái độ thận trọng và hoài nghi. Giới phân tích nhận định, nếu I-xra-en tiếp tục mở rộng các khu định cư sẽ là “quả bom hẹn giờ” có thể khiến các cuộc thương lượng giữa nước này với Pa-le-xtin đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Ý kiến ()