QH thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi với tỷ lệ tán thành 94,25%
Sáng nay, trong phiên làm việc đầu tuần, với 459 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,25%), Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Sáng nay, 24/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Theo kết quả biểu quyết điện tử, có 464 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỷ lệ 95,28 %), trong đó có 459 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,25%), 04 đại biểu không tán thành, 01 đại biểu không biểu quyết. Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Giữ nguyên quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện
Trước đó, trình bày Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 879/BC-UBTVQH15 ngày 22/6/2024 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Tại Công văn số 102/TANDTC-PC ngày 20/6/2024, Tòa án nhân dân tối cao nhất trí đối với toàn bộ nội dung của dự thảo Luật và có góp ý vào dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về nội dung thu thập tài liệu, chứng cứ.
Về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng hai Phương án và xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Cụ thể, phương án 1: giữ nguyên quy định của Luật hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện; phương án 2: đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm.
Kết quả, không có phương án nào đạt quá một nửa tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Sau khi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Tòa án nhân dân tối cao và Thường trực Ủy ban Tư pháp thống nhất đề nghị tiếp thu đa số đại biểu Quốc hội đã ghi phiếu, tiếp tục giữ nguyên quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện như Luật hiện hành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga Thực, hiện yêu cầu của Nghị quyết số 27, “những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu… Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định của dự thảo Luật về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện là phù hợp…
Ghi âm, ghi hình tại tòa sẽ quy định thế nào?
Về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4; mục 5 Chương IV), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, sau khi cân nhắc về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt như dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với việc thành lập các vụ tại Tòa án nhân dân cấp cao trên cơ sở tổ chức lại các phòng Giám đốc, kiểm tra (điểm d khoản 1 Điều 51), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, việc thành lập các vụ tại Tòa án nhân dân cấp cao là nâng cấp một số đơn vị cấp phòng để phù hợp với tính chất, số lượng công việc mà các đơn vị này đang đảm nhiệm, nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị tham mưu. Vì vậy, việc thành lập các vụ trên cơ sở tổ chức lại các phòng Giám đốc, kiểm tra là cần thiết.
Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), dự thảo Luật đã được chỉnh lý: cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.
Việc ghi âm, ghi hình nêu trên phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định (khoản 3). Đồng thời, trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, Tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật và giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết (khoản 4).
Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý (bản đầy đủ) và dự thảo Luật.
Đối với ý kiến của Tòa án nhân dân tối cao góp ý vào “dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý” về nội dung thu thập tài liệu, chứng cứ, đã được cân nhắc tiếp thu tại tiểu mục 2 mục I của Báo cáo đầy đủ.
Sau khi tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm có 09 chương với 152 Điều./.
Ý kiến ()