Qatar nỗ lực bù đắp cho nền kinh tế
Căng thẳng ngoại giao với các nước láng giềng đã gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Qatar. Quốc gia vùng Vịnh này đang mở những hướng đi mới nhằm đối phó các biện pháp trừng phạt của các nước A-rập láng giềng.
Hai tuyến vận tải biển mới kết nối thương mại với một số cảng biển ở châu Á, châu Âu và Trung Ðông đã được Doha mở ra nhằm bù vào các tuyến vận tải bị phong tỏa do căng thẳng ngoại giao trong khu vực.
Qatar đã chính thức khánh thành cảng biển mới Ha-mát với hy vọng cơ sở trị giá 7,4 tỷ USD này sẽ trở thành một trung tâm vận tải trong khu vực, giúp nền kinh tế quốc gia vùng Vịnh đối phó các biện pháp trừng phạt từ các nước láng giềng. Cách thủ đô Doha 40 km về phía nam, Hamad được kỳ vọng sẽ là cảng công-ten-nơ lớn nhất của Qatar và sẽ giúp nước này tiếp cận thương mại với khoảng 150 quốc gia.
Bộ trưởng Giao thông Qatar Sulaiti nhấn mạnh, đây là cửa ngõ giúp phá bỏ những hạn chế đã áp đặt với nền kinh tế Qatar. Cảng này trên thực tế đã đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái. Kể từ khi các nước A-rập láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar hồi tháng 6 vừa qua, cơ sở này đã tiếp nhận một lượng lớn thực phẩm và nguyên vật liệu phục vụ các dự án xây dựng, trong đó có các sân vận động dành cho World Cup 2022.
Ðể khắc phục những tác động do phong tỏa vận tải, Qatar đã mở một loạt tuyến thương mại mới kết nối với nhiều điểm đến khác nhau. Tuyến vận tải thứ nhất do Công ty Tàu biển Ðịa Trung Hải khai trương với bốn chuyến tàu chở theo tổng cộng 6.000 công-ten-nơ. Tuyến này đi qua các cảng biển Mơ-xin, I-xtan-bun, Tếch-ri-đác, Ca-na-kha-lê và I-xken-đê-răn ở Thổ Nhĩ Kỳ; cảng Pi-ra-ớt ở Hy Lạp; cảng Mun-đa-ra ở Ấn Ðộ; cảng Xô-ha và Xa-la-ha ở Ô-man kết nối với cảng Ma-mát ở Qatar. Tuyến thứ hai được khai trương bởi một tàu chở 6.000 công-ten-nơ, kết nối cảng Hamas với các cảng Thượng Hải, Ninh Ba, Hạ Môn, Shekou ở Trung Quốc và cảng Cơ-lang ở Malaysia.
Sau khi xảy ra rạn nứt quan hệ với các nước láng giềng, Qatar nỗ lực tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế với các nước khác như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, Qatar đã chi hàng tỷ USD để mua cổ phần của Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nước Nga Rosneft.
Hành động tẩy chay của nhóm các nước A-rập đối với Qatar đã gây tổn thất về kinh tế cho tất cả các nước liên quan, trong đó Qatar chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody (MIS) – cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín hàng đầu của Mỹ, trong tháng 6 và 7 vừa qua, đã có 30 tỷ USD dòng tiền vốn chi tiêu trong khu vực chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng Qatar. Con số này được dự báo sẽ còn tăng thêm khi các ngân hàng của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) rút lại các khoản tiền gửi. Ước tính, Qatar đã chi 38,5 tỷ USD, tương ứng 23% GDP, để hỗ trợ nền kinh tế trong hai tháng đầu bị cô lập. Moody's cảnh báo chi phí tài chính của Qatar sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Xung đột ngoại giao giữa Qatar và các nước A-rập hiện chưa có lối thoát bởi các bên không chịu nhượng bộ. Những tác động tiêu cực trước mắt của cuộc khủng hoảng này đối với kinh tế Qatar cũng như các nước liên quan có nguy cơ đe dọa sự ổn định lâu dài trong khu vực.
Theo Nhandan

Ý kiến ()