PVN, PV GAS nhận danh hiệu cao trong Tốp 500 DN lợi nhuận tốt nhất
Đại diện PV Gas lên nhận giải thưởng |
Dựa vào Báo cáo đánh giá khách quan và tổng hợp, Ban Tổ chức khẳng định: Những doanh nghiệp được vinh danh trong buổi lễ là những đại diện đã đạt được kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng, có khả năng sinh lời tốt, có tiềm năng trở thành cột trụ cho sự phát triển trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp PVN giữ vị trí dẫn đầu các doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất năm; PV GAS đứng ở vị trí thứ 6. Ngoài ra, còn có 16 tổng công ty, công ty thành viên của Tập đoàn có mặt trong danh sách 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019.
Bảng xếp hạng Tốp 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam được xây dựng với mong muốn nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn lực, tiếp cận cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của các đối tác, các nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Bên cạnh đó, với mục đích ghi nhận thành quả của các doanh nghiệp uy tín trong các ngành thực phẩm – đồ uống và bán lẻ, Vietnam Report đồng thời công bố Tốp 10 công ty thực phẩm – đồ uống – bán lẻ uy tín năm 2019. Những đại diện có mặt trong danh sách này là các công ty có hoạt động hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Đó là những thương hiệu đã ghi dấu ấn nhất định trong lòng người tiêu dùng và có đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn ngành trong giai đoạn 2018 – 2019.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report đã tiến hành nghiên cứu và ghi nhận các kết quả trong Báo cáo song ngữ Vietnam Earnings Insight 2019 với chủ đề “Các xu hướng lợi nhuận theo ngành kinh tế năm 2019 – 2020”.
Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam được coi là một “điểm sáng” khi ghi nhận mức tăng trưởng triển vọng, đạt 6,98% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Cùng với tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Việt Nam đứng vị trí thứ 3, lạc quan nhất toàn cầu.
Để tồn tại và phát triển bền vững, vấn đề tăng khả năng sinh lời chính là mục tiêu cơ bản và tất yếu của các hoạt động kinh doanh mà mọi doanh nghiệp đều hướng đến. Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa và sự bất ổn đến từ nền kinh tế thế giới đặt ra càng nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Điều này đặt ra bài toán lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước để vừa có thể bắt kịp xu hướng thị trường, cạnh tranh với các đối thủ giàu kinh nghiệm, vừa giữ vững được vị thế và vượt ngưỡng tăng trưởng lợi nhuận bền vững.
Nhận xét về môi trường đầu tư và kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2019 trong khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp đều đánh giá ở mức chấp nhận được. Một số khía cạnh được doanh nghiệp đánh giá tốt có thể kể đến như: Quản lý kinh tế vĩ mô của chính phủ (có đến 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá là tốt, 5% đánh giá là rất tốt); Tiếp cận vốn (các tỷ lệ tương ứng là 86,3%); Hệ thống thuế và quản lý thuế (80,4% và 8,9%)…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()