tle=””> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Trần Xuân Tùng, thành viên nhóm nhạc Đăng Nhập trong chuyến “phượt” từ thiện ở Sùng Đô, Yên Bái.
Những năm gần đây, trào lưu “phượt”, một dạng du lịch tự túc, tiết kiệm, hay “du lịch bụi” được giới trẻ Việt Nam đam mê. Một sự khẳng định bản thân, vượt qua thử thách trong sự trải nghiệm qua những chuyến đi, về những mảnh đất mới, những con người mới đã tạo nên sức hấp dẫn không thể chối từ.
Nhiều ý kiến chưa hiểu rõ về “phượt” đã vội cho rằng trào lưu này là dấu hiệu khủng hoảng trong lối sống và suy nghĩ của giới trẻ. Song, đã đến lúc cần một cái nhìn khách quan và chân thực hơn khi người Việt trẻ biết biến “phượt” thành văn hóa sống đáng trân trọng.
Hôm nay, Đào Thu Trang lại chuẩn bị hành trang túi ngủ, tất chống nước, túi thuốc đa năng cùng chiếc ba-lô du lịch quen thuộc để tham gia chuyến đi Hà Giang vốn ấp ủ từ mấy tháng qua. Chiếc xe máy vốn gắn liền với hàng chục chuyến đi dài ngày trước đây cũng được cô đưa đi bảo dưỡng trước mấy hôm cùng túi đồ nghề sửa chữa di động, đã sẵn sàng cho hành trình “phượt” vốn đã quá quen thuộc với cô gái hai mươi ba tuổi. Một lý do đơn giản khi rất nhiều người trẻ hiện nay chọn hình thức du lịch vốn dĩ rất bình dân mà không hề tốn kém này, đó là đam mê, là một cuộc sống muôn màu được dần khám phá mà không hề có giới hạn ấn định sẵn. Xét về bản chất, phượt là du lịch mà cũng không hẳn là du lịch, khi mỗi người đều có một khoảng không gian, thời gian để khám phá, tận hưởng sự thú vị theo cách riêng mà họ chọn lựa. Mỗi người thích một cung đường, một khung cảnh mà ở đó tình yêu, đam mê của họ được thoải mái bộc lộ, dễ dàng cảm nhận thì dù có xa hay hiểm trở chừng nào cũng đều dễ dàng được chấp nhận. Thu Trang nhớ mãi những lần cô cùng bạn đồng hành vượt qua những khúc cua tay áo trên đường đi Mộc Châu (Sơn La), trong sương giăng phủ kín lối đi, dù đang vào thời điểm chín giờ sáng. Nếu đi theo đường mới hoàn thành đẹp đẽ thì những cảnh vật hấp dẫn như vậy bị bỏ lỡ và mọi thứ trên đường sẽ dễ dàng hơn, nhưng Trang vẫn chọn ngược lại và cô gái đã không bao giờ phải hối hận vì sự chọn lựa này khi cô được chiêm ngưỡng những thời điểm tuyệt đẹp của thiên nhiên bên đường và những người dân cô đã gặp.
Có thể nói, mục đích của những người trẻ tham gia du lịch phượt là cả một quá trình chứ không đơn thuần chỉ là chinh phục một đích đến. Quá trình đó là sự trải nghiệm, là vốn sống giúp cá nhân tham gia thấy được điều thú vị, bổ ích mà cao hơn cả là loại bỏ đi sự hưởng thụ cá nhân, chây ỳ trong lối sống. “Phượt” không chỉ giúp con người tươi mới hơn cảm nhận về vẻ đẹp đất nước, về văn hóa, con người chung quanh mà còn giúp mỗi bạn trẻ khám phá ra chính bản thân. Ở đó, họ có cơ hội rèn luyện mình kiên cường rắn rỏi, rèn luyện tính tự lập và cao hơn là tinh thần cộng đồng, tập thể. Không có gì có thể đánh thức khả năng tiềm ẩn của mỗi cá nhân bằng chính sự tự chịu trách nhiệm về sự tồn tại của chính bản thân trước tự nhiên. Đối diện với những khó khăn, thách thức, mỗi người lại trở nên mạnh mẽ hơn, gan góc hơn để sẵn sàng đối chọi và vượt qua thách thức.
Nghiên cứu của Đại học Văn hóa Hà Nội cũng nhận định “phượt” được coi là lối thoát cho sự căng thẳng của cuộc sống hiện đại hôm nay. Lúc đó, những miền đất mới, sự khám phá bằng chính cảm quan mới mẻ, sống động. “Phượt gia trẻ” Nguyễn Lưu Hồng Vy cũng là một người đam mê loại hình du lịch này vốn thuộc làu những cung đường núi Tây Bắc mặc dù cô là một người quê ở tận Bình Dương. Với một người luôn bận rộn với công việc đầy căng thẳng ở một công ty nước ngoài như Vy thì bất cứ thời gian rảnh rỗi nào, cô gái sinh năm 1980 này cũng tìm đến “phượt”, mà theo cô chính là tìm đến cảm giác như một ngày mới bắt đầu, một cảm giác mộc mạc, êm đềm và kéo chậm lại mọi thứ để cuộc sống của cô có dịp được bình lặng.
Khởi điểm của “phượt” có thể gói gọn như vậy nhưng đó chỉ được xem như bản chất ban đầu khi người tham gia chỉ mới thỏa mãn được đam mê cá nhân. Hiện nay, giới trẻ Việt Nam đang đưa vào guồng quay trào lưu này một ý nghĩa thiết thực, một nét văn hóa cộng đồng rất đáng trân trọng. Đó là khi tình yêu thương con người được tìm đến như một gạch nối những đam mê đơn thuần và góp phần giúp đỡ những số phận khắp đất nước vốn còn vô vàn khó khăn. Trên hàng chục những diễn đàn lớn hiện nay trên in-tơ-nét của người Việt trẻ ngày càng nhiều những chương trình, những kế hoạch du lịch “phượt” kết hợp với từ thiện, kết hợp với việc quyên góp và giúp đỡ những người bị thiệt thòi. Các bạn trẻ vốn đam mê khám phá mọi miền đất nước nhưng cùng chung một mục đích được sẻ chia yêu thương, giúp đỡ trẻ em vùng cao, những số phận bất hạnh… Họ đã tìm đến và tham gia tích cực trên những diễn đàn, tụ hội và sắp xếp lịch chi tiết cho những cuộc hành trình dài ngày rong ruổi bằng những phương tiện giản đơn như xe máy, xe đạp. Thu Trang kể lại, trong tâm trí cô vẫn in sâu cảm giác được đi đến tận nơi, trao tận tay từng túi quà nhỏ nhưng ý nghĩa với người dân vùng cao: “Mỗi chuyến đi được gặp, được cảm nhận những số phận còn thiệt thòi đó giúp mình nhận thức và trân trọng hơn cuộc sống đang có. Nếu có thể sẻ chia được ở nhiều nơi hơn nữa, nếu có thể giúp đỡ và tìm hiểu nhiều cuộc đời, số phận ở nhiều mảnh đất hơn nữa thì mình nghĩ phượt sẽ là cây cầu nhân ái”. Thu Trang đã đi đến hầu hết những nơi sâu xa nhất vùng núi Tây Bắc, đã tận hưởng rất nhiều bầu không khí đặc trưng của núi rừng đất nước và cô gái trẻ thấy thêm yêu cuộc sống hơn sau mỗi lần được kết hợp phượt để giúp đỡ mọi người.
Đó là câu chuyện của dân du lịch phượt đơn thuần, còn các bạn trẻ trong Nhóm nhạc Sai-in (tạm dịch là Đăng nhập) ở Hà Nội thì từ thiện là một tôn chỉ không thể thiếu trong những buổi nhóm đi phượt, biểu diễn âm nhạc miễn phí. Kiến trúc sư Trần Xuân Tùng, người luôn dẫn đầu trong mỗi lần nhóm đi phượt cho rằng cuộc sống của những số phận thiệt thòi đang cần sự kết nối yêu thương, kết nối tình anh em thân tình và cần được sẻ chia. Tùng và nhóm của anh vẫn nhớ mãi mùa đông năm 2011, khi cả nhóm mười người trên năm chiếc xe máy mang theo những túi quần áo họ miệt mài quyên góp nhiều tháng trước đó để thực hiện cuộc hành trình tới bốn tỉnh Tây Bắc mà mục đích là đem lại một mùa đông ấm áp cho trẻ em vùng cao nơi này. Mỗi lần dừng chân là một lần họ lại đàn hát, chia quần áo, tận tay mặc từng chiếc quần, chiếc áo cho các em nhỏ chỉ chân trần học tập, vui chơi giữa trời lạnh căm căm. Lúc đó, họ nhận được nụ cười, lời cảm ơn thậm chí được người dân bản địa hát cho nghe thì niềm vui như nhân lên. Giữa núi rừng, cuộc sống và tình người đưa người trẻ trưởng thành hơn nhiều lần và “phượt” thật sự trở thành phương tiện hiệu quả đưa mục đích, đam mê của họ bay xa hơn, tốt đẹp hơn.
Mới đây, một chàng trai mới chỉ hai mươi tuổi lại lựa chọn cho mình một hành trình “phượt” được coi là rất đặc biệt khi quyết định đạp xe xuyên Việt để được thăm những đứa trẻ mồ côi, những cụ già neo đơn dọc khắp đất nước để cảm nhận và sẻ chia với những nỗi đau. Cậu thanh niên quê ở Quảng Nam Võ Đình Nam Phương bỏ qua những lời đàm tiếu quyết tâm thực hiện với niềm tin sẽ thành công. Cuối cùng, sau khi tân trang rất nhiều tiền chiếc xe đạp với máy đo tốc độ, dụng cụ sửa xe,… cậu đã xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh đi qua 18 tỉnh, thành trong cả nước. Mỗi nơi, mỗi trại trẻ mồ côi hay trại dưỡng lão mà Phương có mặt, cậu đều trích tiền túi để ủng hộ những món quà nhỏ bé nhưng chứa đầy tình cảm. Cư dân mạng và cộng đồng “phượt” từng rất cảm động truyền nhau hình ảnh Phương rơi nước mắt khi được nghe kể về số phận những đứa trẻ mồ côi ở Nha Trang. Phương đã cảm nhận từ chuyến đi những bài học về cuộc sống mà đối với cậu là thật sự vô giá. Đó là nhiệt huyết của tuổi trẻ và ước mong một cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ cho bản thân mà còn cho rất nhiều người khác.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn đó những vấn đề của “phượt” tồn tại tiêu cực xoay quanh giới trẻ Việt, dẫn đến còn đâu đó sự hoài nghi mà xét cho cùng không phải không có lý do. Nhiều bạn trẻ đã hiểu sai khi cho rằng “phượt” chỉ là việc rời khỏi gia đình, tham gia vào những chuyến đi không mục đích chỉ với việc đổ thật đầy xăng trong xe và nhấn ga mặc cho đích đến ở đâu, ra sao. Mọi cuộc hành trình đều cần có sự chuẩn bị và mọi thử thách không thể chỉ dựa vào một luồng suy nghĩ không rõ ràng và thiếu chín chắn.
Đối với dân du lịch “phượt”, những cung đường càng sâu, càng trèo đèo lội suối, càng hiểm trở bao nhiêu thì sức hấp dẫn của nó cũng tỷ lệ thuận bấy nhiêu. Nhưng đó cũng là một thử thách mà không dễ gì đối mặt, chưa nói đến những bất trắc khôn lường, đôi khi còn hiểm nguy đến tính mạng. Mặt khác, khi thú xê dịch này đang ngày càng được bạn trẻ lựa chọn khám phá khả năng bản thân thì việc có đôi lúc quá mải miết với đam mê mà quên đi ý thức bảo vệ môi trường hay gặp phải những cám dỗ bất trắc… Tất cả những điều này là thiết thực và điều cần thiết hơn nữa sự chín chắn, thận trọng của những người trẻ dù biết đam mê của họ hiện tại đã hình thành nên một nét văn hóa sống đẹp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()