Phường Vĩnh Trại thực hiện tốt Đề án 818
– Trạm Y tế phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn là một trong những đơn vị cấp phường, xã có doanh số bán sản phẩm từ Đề án “Xã hội hóa (XHH) cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt là Đề án 818) cao nhất trong toàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, Trạm Y tế phường đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 818, thu được gần 300 triệu đồng nộp về Phòng Dân số, Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn.
Phường Vĩnh Trại hiện có 4.031 hộ dân với 16.100 nhân khẩu. Thực hiện Đề án 818, từ năm 2016 đến nay, Trạm Y tế phường đã bán được trên 17.000 bao cao su các loại; gần 500 vỉ thuốc tránh thai Anna; trên 1.000 lọ dung dịch vệ sinh Vagis; gần 500 lọ dung dịch vệ sinh xịt đa năng Gynopro; 400 lọ Vitamin Prenatal; trên 200 loại Canxi… Các mặt hàng thuộc Đề án đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, vì vậy được người dân trên địa bàn phường tin dùng.
Đội ngũ làm công tác dân số phường Vĩnh Trại tư vấn các sản phẩm của Đề án 818 cho người dân
Chị Nguyễn Thị Hồng, cộng tác viên dân số khối 7 cho biết: Một số mặt hàng được người dân ưa chuộng, trong đó có thể kể đến như: Bao cao su Night Happy; thuốc uống tránh thai Anna; dung dịch vệ sinh Vagis… Nhiều người thường xuyên nhờ tôi tư vấn để chọn được sản phẩm tốt nhất cho bản thân.
Để phân phối, tiếp thị được số lượng sản phẩm như trên là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ. Từ năm 2016 đến nay, bằng nhiều hình thức trực tiếp, gián tiếp, những người làm công tác DS đã tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt là các nội dung trong Đề án 818.
Bà Vũ Thị Thanh Hà, cán bộ chuyên trách dân số phường cho biết: Trong 5 năm qua, Trạm Y tế đã tham mưu cho UBND phường ban hành 5 văn bản, kế hoạch thực hiện tuyên truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai, các sản phẩm của Đề án 818 đến người dân. Chúng tôi đặt ra phương châm tích cực tư vấn, tuyên truyền bền bỉ để người dân hiểu và chủ động tìm đến, lựa chọn và sử dụng lâu dài các sản phẩm thuộc đề án, luôn trong tâm thế sẵn sàng tư vấn, cung cấp thông tin, sản phẩm cho người dân có nhu cầu. Bên cạnh truyền thông nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, đội ngũ tuyên truyền viên DS cũng tích cực truyền thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…
Từ năm 2016 đến nay, đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ đã tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề được gần 100 buổi, thu hút trên 5.000 lượt người nghe; tư vấn tại gia đình và thảo luận nhóm được 320 lượt với gần 9.000 lượt người dự; phát trên 1.000 tờ rơi về các sản phẩm của Đề án 818. Bên cạnh đó là truyền thông lồng ghép vào các ngày tiêm chủng tại trạm y tế; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Đoàn thanh niên phường… tuyên truyền về các biện pháp tránh thai hiện đại được 170 buổi với gần 9.000 lượt người nghe…
Chị Nguyễn Thị Chải, khối 2 cho biết: Trước đây, tôi thường tự tìm hiểu các PTTT, chăm sóc SKSS trên mạng. Sau khi được tham gia nghe tư vấn tại Trạm Y tế, tôi quyết định sử dụng sản phẩm sản phẩm viên uống tránh thai Anna, dung dịch vệ sinh Vagis… của Đề án. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng và động viên mọi người xung quanh cùng mua và sử dụng.
Sau gần 6 năm, cùng với các giải pháp khác, Đề án 818 đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ trên địa bàn phường. Tính đến nay, toàn phường có trên 90% các cặp vợ chồng được cung cấp kiến thức về PTTT, hàng hóa chăm sóc SKSS/KHHGĐ; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai tăng từ 78% (năm 2016) lên 82% (năm 2021); tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm từ 6,4% (năm 2016) xuống 3,9% (2021); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 0,62% (năm 2016) xuống 0,4% (năm 2021)…
DƯƠNG KIM
Ý kiến ()