Phương thuốc giúp phục hồi kinh tế châu Phi
Nền kinh tế châu Phi đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, xung đột, biến đổi khí hậu. Cộng đồng quốc tế, trong đó có các tổ chức tài chính lớn, mới đây tăng các khoản viện trợ cho “lục địa đen”, coi đây là phương thuốc giúp châu Phi phục hồi kinh tế.
Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo sẽ đầu tư hai tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Phi, cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại tại khu vực trong bối cảnh lục địa đen đang từng bước vượt qua suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch. Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), một trong năm cơ quan của WB, cho biết gói đầu tư hai tỷ USD này là một trong những cam kết lớn nhất từ trước tới nay của IFC đối với các sáng kiến cụ thể tại châu Phi trong bối cảnh đại dịch khiến nền kinh tế của châu lục rơi vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, giảm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, cũng như đã đẩy hàng triệu người dân vào cảnh nghèo khó hơn. Gói đầu tư hỗ trợ sẽ được tập trung vào việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại các thị trường mới nổi, trong đó một tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và trung bình và một tỷ USD còn lại được dành để hỗ trợ hoạt động tài chính thương mại quốc tế. Theo Giám đốc điều hành IFC, sự phục hồi của nền kinh tế châu Phi trong dài hạn sẽ phụ thuộc nhiều vào khoản đầu tư cho các trụ cột kinh tế khu vực này.
Cảnh báo châu Phi phải đối mặt khoản thâm hụt lên tới gần 300 tỷ USD vào cuối năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đang xem xét một đề xuất kêu gọi thành lập quỹ hỗ trợ thanh khoản trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp các nền kinh tế châu Phi phục hồi sau đại dịch. Quỹ này sẽ cung cấp cho các nước châu Phi nguồn vốn lãi suất thấp để họ thanh toán các khoản vay. IMF cũng đang xem xét đề xuất thiết lập một quỹ khác trị giá 100 tỷ USD nhằm giúp giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Phi. Ngoài ra, tổ chức tài chính này dự kiến phân bổ 10 tỷ USD cho các chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại châu Phi.
Các đối tác phát triển và ngân hàng ở châu Phi cũng đã cam kết tài trợ 17 tỷ USD để giải quyết nạn đói ngày càng tăng và cải thiện an ninh lương thực ở châu lục. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cho biết sẽ tài trợ 10,4 tỷ USD trong 5 năm để tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp và sản xuất lương thực ở châu Phi, trong đó, 1,6 tỷ USD sẽ được dùng để hỗ trợ 10 sản phẩm nông nghiệp chiến lược. Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) cam kết sẽ cung cấp 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các nỗ lực quốc gia nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực và nông nghiệp ở châu Phi trong ba năm tới. Ngân hàng Phát triển Kinh tế A-rập (Badea) cũng khẳng định sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào nông nghiệp trong giai đoạn 2020 – 2024 và nhóm Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cũng tuyên bố sẽ tài trợ 3,5 tỷ USD trong ba năm tới. Quỹ Bill & Melinda Gates, một phần của liên minh các đối tác phát triển, cam kết hỗ trợ 652 triệu USD, bao gồm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp ở lục địa đen.
Châu Phi nỗ lực phục hồi sau suy thoái trong bối cảnh châu lục này không có các công cụ tài chính để bảo vệ. Cam kết từ các tổ chức tài chính và ngân hàng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ châu Phi đối mặt hàng loạt thách thức. Tuy nhiên, dù được các tổ chức tài chính khẳng định hỗ trợ nhiều hơn, song châu lục này vẫn muốn duy trì sự độc lập của mình. Các nước châu Phi đang nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), vốn được thiết lập để tăng cường giao thương nội khối, góp phần quan trọng vào sự phục hồi của châu Phi. Thêm vào đó, phục hồi hoàn toàn sau đại dịch đòi hỏi châu Phi phải xây dựng các chính sách phát triển bền vững, bao gồm các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Để giúp châu Phi tự lực trong phát triển, các nhà lãnh đạo châu Phi cam kết tiếp tục thực hiện các kế hoạch hành động và xây dựng khu vực tốt hơn để hoàn thành mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU).
Theo Nhandan
Ý kiến ()