Phương thức quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Từ năm 2006, Quân chủng Hải quân đã chủ động đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị về việc cho phép Quân chủng ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo (TTBĐ) với 63 tỉnh thành, các cơ quan Trung ương nhằm đẩy mạnh TTBĐ, thu hút nguồn nhân lực xây dựng Hải quân chính qui, hiện đại. Đến nay chương trình đã hoàn thành (trước 9 tháng so với dự kiến). Đây là dấu ấn nổi bật từ sự tâm huyết, trách nhiệm với biển, đảo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân cũng như các cấp, các ngành, các địa phương với mong muốn đẩy mạnh TTBĐ để đất nước ta giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển.
Từ năm 2000, Quân chủng đã đề xuất với trên cho phép Quân chủng hàng năm tổ chức các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân, dân ra thăm huện đảo Trường Sa nhằm đẩy mạnh TTBĐ, để huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam gần đất liền hơn, bớt gian khó hơn.
Từ tháng 6-2006, các đoàn công tác TTBĐ do trực tiếp đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân dẫn đầu đã đến từng địa phương, các, bộ, ngành để trao đổi, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thống nhất đề ra chủ trương, các nội dung phối hợp TTBĐ, phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Đảng ủy Quân chủng Hải quân và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tháng 5-2019
Từ tháng 6-2006, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã ký kết TTBĐ với tỉnh Nam Định, đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước ký kết với Quân chủng Hải quân về phối hợp TTBĐ. Tiếp đó Quân chủng ký kết với các tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, miền Đông, miền Tây Nam bộ và 3 tỉnh Tây Nguyên tạo tiền đề quan trọng để cuối năm 2009, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân hoàn thành ký kết với 37 tỉnh thành và 3 cơ quan Trung ương.
Sau hội nghị sơ kết 3 năm phối hợp TTBĐ năm 2009, Quân chủng xác định chương trình phối hợp TTBĐ bắt đầu mở rộng qui mô và nội dung, hình thức để công tác TTBĐ luôn có hệ thống, liên tục, toàn diện, có chiều sâu, sát thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực.
Từ năm 2009, sau khi hoàn thành ký kết với 37 tỉnh thành phố và các cơ quan Trung ương, Quân chủng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiệm vụ thuỷ sản trên quần đảo Trường Sa; đề xuất các thành phố, tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong cả nước kết nghĩa, đỡ đầu với các đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1; làm việc với UBMT Tổ quốc Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Dệt may để TTBĐ, thu hút nguồn lực cho biển, đảo; ký kết Chương trình phối hợp hoạt động với Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và truyền thông; Báo Nhân dân; Trung ương Đoàn, Quân chủng Phòng không-Không quân, tổ chức các hoạt động hướng về biển, đảo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ…
10 năm trở lại đây, chương trình phối hợp TTBĐ đã thực sự được đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao. Trước, trong và sau Hội nghị ký kết chương trình phối hợp TTBĐ, Quân chủng phối hợp với các địa phương tổ chức một chuỗi các hoạt động như: Nói chuyện chuyên đề về tình hình biển, đảo; triển lãm lưu động; biểu diễn nghệ thuật; tri ân các anh hùng liệt sĩ và tham quan các địa danh lịch sử; thăm hỏi các gia đình chính sách của địa phương, tạo nên “ngày hội” thực sự về biển, đảo; có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận, ủng hộ và tham gia.
Cùng với đó, Quân chủng và các đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 28 tỉnh, thành phố ven biển ký kết, triển khai chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân đánh bắt hải sản trên biển; bảo vệ ngư dân và phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đối với 63 tỉnh, thành phố và 15 cơ quan Trung ương, cơ quan báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ, triển khai các giải pháp thực hiện các nghị quyết, chủ trương về biển, đảo; ban hành nhiều văn bản, thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”. Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy phát huy tốt vai trò là cơ quan thường trực trong công tác tham mưu, giúp cấp ủy đảng xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp với Quân chủng Hải quân thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền có chiều sâu về kết quả huấn luyện SSCĐ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân, đối ngoại quốc phòng… tạo hiệu ứng xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đài PTTH 63 tỉnh thành phối hợp với Báo Hải quân phát sóng chuyên mục “Tổ quốc và người lính biển” trên sóng truyền hình cả nước được dư luận đánh giá cao.
Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch công tác phối hợp của Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng Hải quân đã cử hàng trăm lượt cán bộ, báo cáo viên đến các địa bàn tuyên truyền về biển, đảo, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về biển, đảo và cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; chia sẻ những khó khăn, gian khổ của lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu của Tổ quốc.
Các địa phương đã bám sát địa bàn, tổ chức thông tin, tuyên truyền về biển, đảo cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; đồng thời cung cấp tư liệu cho đơn vị Hải quân để tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, chiến sĩ về tình hình phát triển kinh tế, xã hội và các hoạt động hướng về biển, đảo của địa phương.
Quân chủng phối hợp với Tổng cục Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan báo chí cử hàng nghìn lượt phóng viên đến các đơn vị Hải quân, các vùng biển, đảo tác nghiệp, đưa hàng nghìn tin bài, xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục về biển, đảo phong phú, hấp dẫn… Các cơ quan báo chí còn cung cấp những thông tin, tư liệu, chứng cứ lịch sử, pháp lý có giá trị làm cơ sở để đấu tranh, phản bác những thông tin xuyên tạc, sai sự thật về Biển Đông của báo chí nước ngoài.
Được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong cả nước, tổ chức thành công 169 chuyến tàu, 54 chuyến máy bay, đón trên 30 nghìn đại biểu trong nước, kiều bào ta ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đi thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Thông qua các chuyến đi Trường Sa, DK1, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm về biển, đảo; giúp đại biểu nắm bắt tình hình, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, tạo nguồn lực xây dựng Trường Sa, DK1 ngày càng vững mạnh.
Cục Chính trị và các đơn vị Hải quân còn thường xuyên phối hợp với các hội mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ sĩ múa, tạp chí Văn nghệ Quân đội… mở các trại sáng tác, cho văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế ở các đơn vị và ở Trường Sa, DK1 để sáng tác về biển, đảo và bộ đội Hải quân. Bảo tàng Hải quân tổ chức triển lãm lưu động về biển, đảo ở các địa phương; Đoàn Văn công xây dựng được nhiều chương trình nghệ thuật đến các địa bàn phục vụ nhân dân các địa phương trong cả nước.
Trung tâm Y tế Tân cảng Sài Gòn khám bệnh cho ngư dân huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh trong Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”
Quân chủng phối hợp với các tỉnh xây dựng tượng đài chiến thắng trận đầu, tôn tạo bia di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng tại các địa phương; xây dựng và tu bổ các công trình hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn ở những vùng biển xa; cứu kéo hàng trăm phương tiện về bờ an toàn; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và người có công với cách mạng; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã thường xuyên làm tốt việc phối hợp với địa phương, tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên đến các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, trung tâm chính trị… trên các địa bàn tuyên truyền về biển, đảo cho học sinh, sinh viên, kết hợp tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đầu vào Học viện Hải quân.
Nhờ làm tốt công tác TTBĐ, trong 10 năm qua các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ cho Trường Sa về vật chất, kinh phí gần 2 nghìn tỷ đồng góp phần nâng cao kháng lực, đời sống, sinh hoạt của quân dân trên đảo, mở rộng không gian kinh tế.
Công tác phối hợp TTBĐ trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò của biển, đảo; khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, xây dựng mối đoàn kết, nhất trí, đồng thuận, góp phần huy động nguồn lực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X của Đảng về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác tuyên truyền biển, đảo đã thực sự trở thành một phương thức quan trọng, tạo nên sức mạnh to lớn trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.
10 năm qua, Quân chủng Hải quân huy động 31.699 lượt cán bộ, chiến sĩ, 579 lượt tàu, 19 lượt máy bay và trên 650 lượt các phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn; kịp thời cứu nạn 2.029 người, cứu hộ 258 phương tiện bị nạn trên biển; giúp đỡ khắc phục sự cố máy móc cho 59 tàu cá của ngư dân; đã đưa 2.116 người từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các đảo, các âu tàu, làng chài ở Trường Sa đã đưa hàng nghìn tàu cá ngư dân ra vào âu tàu neo đậu, trú tránh trú bão, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt cho ngư dân.
Quân chủng và các đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách 88 tỷ 631 triệu đồng; xây dựng và hỗ trợ sửa chữa 756 căn nhà tình nghĩa, trị giá 39 tỷ 75 triệu đồng; thăm khám và cấp thuốc miễn phí 22.524 lượt người; tặng 1.019 sổ tiết kiệm; tham gia đóng góp quỹ của địa phương 11 tỷ 678 triệu đồng.
Ý kiến ()