Phương thức mới trong quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học - công nghệ
Cán bộ Viện Nghiên cứu sinh học nông nghiệp nghiên cứu mẫu giống ươm tại phòng thí nghiệm. |
Dấu ấn trong tiến trình đổi mới của ngành
Trong suốt bảy năm qua, sự chỉ đạo và điều hành của Lãnh đạo Bộ KH và CN luôn bám sát việc thực hiện đồng bộ sáu nhóm giải pháp cơ bản của Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH và CN. Qua đó, tạo được những biến chuyển căn bản trong hoạt động KH và CN, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong tiến trình đổi mới cơ chế quản lý KH và CN chung của cả nước, việc ra đời của Quỹ phát triển KH và CN quốc gia (NAFOSTED) vào năm 2008 được đánh giá là một trong những dấu ấn quan trọng. Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng NAFOSTED đã nhanh chóng khẳng định được vai trò và vị trí trong hoạt động nghiên cứu khoa học trên phạm vi cả nước. Bước đầu trở thành một “thương hiệu” về chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, được cộng đồng các nhà khoa học đánh giá là một bước tiến mang tính đột phá trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý KH và CN ở nước ta trong thời gian vừa qua.
Những kết quả đã được ghi nhận từ hoạt động của NAFOSTED trong thời gian qua luôn gắn với sự chỉ đạo, quan tâm và ủng hộ của Lãnh đạo Bộ KH và CN. Với quyết tâm đưa mô hình Quỹ đi vào hoạt động, Lãnh đạo Bộ KH và CN đã chỉ đạo sát sao việc hoàn thiện hệ thống khung pháp lý và hệ thống tổ chức bộ máy của Quỹ (gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Cơ quan điều hành Quỹ). Hội đồng quản lý Quỹ có vai trò quan trọng trong việc đưa ra định hướng, chính sách cho các hoạt động của Quỹ, phê duyệt các nhiệm vụ KH và CN do Quỹ tài trợ. Để bảo đảm chất lượng đánh giá nhiệm vụ KH và CN, Quỹ dựa vào các hội đồng khoa học chuyên ngành tư vấn chuyên môn. Các hội đồng khoa học chuyên ngành được lựa chọn từ các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc trên phạm vi cả nước đã luôn nhiệt tình hỗ trợ Quỹ với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và khách quan trong việc giúp Quỹ đánh giá từ khâu xét chọn các đề cương nghiên cứu đến nghiệm thu các đề tài.
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng Quỹ phát triển KH và CN quốc gia đã dần thiết lập phương thức quản lý tiên tiến đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm bảo đảm chất lượng nghiên cứu cơ bản ở nước ta đạt tới trình độ quốc tế, trong đó chú trọng việc học hỏi kinh nghiệm trong quản lý và vận hành của các quỹ khoa học nước ngoài để triển khai áp dụng phù hợp điều kiện của Việt Nam. Cụ thể, Quỹ đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học, xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực và kết quả nghiên cứu, sử dụng các chuyên gia và hội đồng khoa học có năng lực khoa học xuất sắc, công tâm và khách quan.
Tác động tích cực từ hoạt động của Quỹ phát triển KH và CN quốc gia trong tiến trình đổi mới cơ chế quản lý KH và CN được thể hiện rõ qua việc Quỹ đã bước đầu xây dựng được phương thức quản lý các đề tài nghiên cứu cơ bản theo chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam. Phương thức quản lý hoạt động nghiên cứu với nhiều nét đổi mới đã tạo được bầu không khí học thuật lành mạnh và nghiêm túc trong các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các nhà khoa học trên cả nước. Nhiều nhà khoa học đã phản hồi với Quỹ về sự chuyển biến tích cực này trong các trường đại học, viện nghiên cứu, điều mà theo họ là lâu nay không có. Theo thống kê gần đây của Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI), NAFOSTED là cơ quan tài trợ nhiều nhất trong các công bố quốc tế của Việt Nam thời gian qua. Số lượng công bố quốc tế trong các đề tài do Quỹ tài trợ tăng nhanh theo từng năm.
Cơ chế đầu tư tài chính do Quỹ đề xuất cơ chế đã và đang khẳng định sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động KH và CN ở nước ta, được đánh giá là bước đi đúng hướng, tạo tiền đề cho các đổi mới tiếp theo trong toàn ngành, làm cơ sở hậu thuẫn cho việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH và CN công lập và đề án đãi ngộ, trọng dụng cán bộ khoa học.
Về xây dựng đội ngũ nhân lực KH và CN, việc xác định các tiêu chí đánh giá năng lực chủ yếu dựa vào kết quả nghiên cứu, không phân biệt lứa tuổi và chức vụ hành chính, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, có thành tích tốt có điều kiện phát huy khả năng của mình. Theo thống kê về độ tuổi các chủ nhiệm đề tài thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, số nhà khoa học ở độ tuổi dưới 35 chiếm hơn 20% và dưới 45 chiếm hơn 50%. Chương trình hỗ trợ các hoạt động khoa học của Quỹ tạo điều kiện cho nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ, có cơ hội tiếp cận với các sinh hoạt chuyên môn ở trình độ quốc tế. Việc học hỏi, giao lưu với các học giả hàng đầu trong các lĩnh vực là kinh nghiệm quý báu cho các nhà khoa học trẻ khi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện
Trong khuôn khổ đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH và CN” cho giai đoạn đến năm 2015, Quỹ phát triển KH và CN quốc gia tiếp tục đổi mới, hoàn thiện theo định hướng: Đổi mới phương thức đánh giá nhằm nâng cao chất lượng tổ chức nhiệm vụ KH và CN, trong đó chú trọng đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên gia trong các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn các chuyên gia đúng chuyên ngành, phù hợp với chuyên môn cần đánh giá. Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH và CN thông qua nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, nhóm nghiên cứu mạnh. Song song với các hoạt động hỗ trợ tổ chức/tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế, Quỹ cũng dự định kết hợp với các cơ quan quản lý, các tổ chức KH và CN hỗ trợ các tạp chí chuyên ngành quốc gia hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Xem xét, đưa ra kế hoạch nâng cao trình độ quản lý, tổ chức nhiệm vụ KH và CN của Cơ quan điều hành Quỹ theo phương châm “quản lý ở trình độ quốc tế” để đạt “chất lượng quốc tế” đối với các nhiệm vụ khoa học do Quỹ tài trợ. Hướng tới một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, bên cạnh việc chuẩn hóa cán bộ và thực hiện đào tạo trong nước, Quỹ đang đàm phán với các tổ chức KH và CN nước ngoài để hợp tác, đào tạo các cán bộ của Quỹ tại các môi trường quản lý khoa học hiện đại.
Việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH và CN nhằm hướng đến một nền KH và CN tiên tiến là nhiệm vụ mang tầm quốc gia, đòi hỏi nỗ lực tổng thể của toàn ngành. Là một đơn vị trong hệ thống KH và CN, Quỹ phát triển KH và CN quốc gia tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức hoạt động KH và CN của mình theo tinh thần tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ mà Bộ KH và CN đang thực hiện. Quỹ phấn đấu trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà khoa học, sử dụng nguồn lực tài chính, đầu tư có hiệu quả cho KH và CN quốc gia phát triển.
Ý kiến ()