Phương Tây muốn bỏ phân biệt giàu nghèo trong đàm phán về khí hậu
Trong các cuộc đàm phán chống lại biến đổi khí hậu, phương Tây cho rằng đã tới lúc bỏ qua sự phân biệt truyền thống giữa các nước công nghiệp và các quốc gia đang phát triển, buộc Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển khác phải chấp nhận những hạn chế có sự ràng buộc pháp lý về lượng khí nhà kính mà những nước này thải ra bầu khí quyển.Đây sẽ là một chủ đề trọng tâm đối với hơn 20 nghìn quan chức chính phủ, các nhà vận động hành lang, nhà khoa học tham dự Hội nghị thường niên của LHQ về biến đổi khí hậu đang nhóm họp tại TP Durban, Nam Phi. Cuộc đàm phán kéo dài hai tuần này sẽ kết thúc bằng một cuộc họp của bộ trưởng thuộc các chính phủ của hơn 100 quốc gia.Mối quan tâm trước mắt của các đại biểu là Nghị định thư Kyoto năm 1997, với nội dung yêu cầu 37 nước công nghiệp phát triển nhất đến năm 2012 phải giảm lượng khí carbon mà họ thải ra xuống 5% so với mức năm 1990. Mỗi quốc gia trong số này...
Trong các cuộc đàm phán chống lại biến đổi khí hậu, phương Tây cho rằng đã tới lúc bỏ qua sự phân biệt truyền thống giữa các nước công nghiệp và các quốc gia đang phát triển, buộc Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển khác phải chấp nhận những hạn chế có sự ràng buộc pháp lý về lượng khí nhà kính mà những nước này thải ra bầu khí quyển.
Đây sẽ là một chủ đề trọng tâm đối với hơn 20 nghìn quan chức chính phủ, các nhà vận động hành lang, nhà khoa học tham dự Hội nghị thường niên của LHQ về biến đổi khí hậu đang nhóm họp tại TP Durban, Nam Phi. Cuộc đàm phán kéo dài hai tuần này sẽ kết thúc bằng một cuộc họp của bộ trưởng thuộc các chính phủ của hơn 100 quốc gia.
Mối quan tâm trước mắt của các đại biểu là Nghị định thư Kyoto năm 1997, với nội dung yêu cầu 37 nước công nghiệp phát triển nhất đến năm 2012 phải giảm lượng khí carbon mà họ thải ra xuống 5% so với mức năm 1990. Mỗi quốc gia trong số này đều có một mục tiêu bắt buộc phải thực hiện và nếu những nước này không đáp ứng được cam kết của mình sẽ phải chịu phạt. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, từ trước tới nay luôn là nước có lượng khí thải tính theo đầu người lớn nhất thế giới, đã từ chối ký kết với lý do là Nghị định thư này không hề có ràng buộc gì đối với những quốc gia như Trung Quốc, hiện đã vượt qua Mỹ về tổng lượng khí nhà kính thải ra.
Giờ đây, ngày hết hiệu lực của Nghị định thư Kyoto đang tới gần, và các nước nghèo đang muốn những quốc gia đã ký kết chấp nhận cắt giảm nhiều hơn nữa lượng khí thải trong một giai đoạn cam kết thứ hai, kéo dài ít nhất tới năm 2017. Ông Jorge Arguello thuộc đoàn Argentina, chủ tịch nhóm đàm phán của các nước đang phát triển, còn được gọi là nhóm G77 cộng thêm Trung Quốc, nói: “Nghị định thư Kyoto là một nền tảng cho sự kiểm soát sự biến đổi khí hậu”.
Tuy nhiên, các nước giàu từ chối đưa ra nhiều cam kết hơn, trừ trường hợp tất cả các nước khác, hoặt ít nhất là những nền kinh tế đang phát triển lớn nhất, phải chấp nhận những ràng buộc như các nước công nghiệp.
Liên minh châu Âu mang tới Durban một đề xuất kêu gọi một lịch trình cho tất cả các nước thực hiện những cam kết này vào năm 2015. Tương tự, Na Uy và Austrlia cũng đưa ra một đề xuất dài sáu trang để mọi chính phủ trên thế giới chấp nhận một quá trình dần dần mở rộng quy mô giảm lượng khí thải.
Trong khi đó, Nhật Bản, Canada và Nga, ba quốc gia đóng vai trò quan trọng trong Nghị định thư Kyoto, hồi năm ngoái đã ra thông báo tuyên bố họ sẽ không ký kết một giai đoạn cam kết thứ hai. Nga đã đệ trình một đề xuất kêu gọi phải có sự xem xét và sửa đổi định kỳ đối với các điều kiện để được đánh giá là nước giàu hay nước nghèo theo các quy định pháp lý của Nghị đinh thư Kyoto.
Bà Connie Hedegaard, Ủy viên châu Âu về các chính sách khí hậu, cho biết: “Chúng ta cần thảo luận xem liệu chúng ta có thể tiếp tục phân chia thế giới theo tư duy truyền thống thành miền Nam và miền Bắc hay không, khi miền Bắc thì phải cam kết theo hình thức bắt buộc trong khi miền Nam sẽ chỉ phải cam kết theo hình thức tự nguyện”.
Những tranh cãi này thực ra đã xuất hiện từ lâu và giờ đây nó đang ngày càng trở nên gay gắt hơn cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế khu vực Mỹ Latin cũng như lượng tài sản và lượng khí thải mà các quốc gia này tạo ra.
Việc phân chia thế giới thành hai phần không tương đồng đã xuất hiện trong hiệp định về khí hậu đầu tiên được ký kết vào năm 1992. Khi đó, Trung Quốc đang chật vật trong việc tự do hóa nền kinh tế, Ấn Độ thì vừa mới mở cửa biên giới cho thương mại quốc tế, Nam Phi thì mới thoát khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, còn Brazil, chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Trái đất nơi hiệp định đạt được, là một nền kinh tế hỗn loạn với mức lạm phát lên tới 1.100% mỗi năm.
Khi đó, tất cả mọi người đều đồng ý rằng chỉ có một ít quốc gia giàu có phải có trách nhiệm chính trong việc giảm thải khí nhà kính, do nền công nghiệp của những nước này đã thải khí carbon dioxide ra bầu khí quyển trong suốt 200 năm qua. Các nhà khoa học về khí hậu nói rằng sự tích lũy khí CO2 đã khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên, làm thay đổi một số điều kiện hình thái thời tiết và nông nghiệp, làm tăng nguy cơ mực nước biển dâng cao.
Giờ đây, các nước công nghiệp, trong đó có Mỹ, đang đặt ra câu hỏi là cho đến thời điểm này mà vẫn còn áp dụng sự phân biệt giàu nghèo, đã được đặt ra từ 20 năm trước đây, có còn phù hợp hay không. Đó là một lý do chính khiến Mỹ rút ra khỏi Nghị định thư Kyoto.
Còn Liên minh châu Âu cũng bác bỏ lý lẽ của các nước nghèo khi các nước này cho rằng “anh đã tạo ra vấn đề thì giờ đây anh phải khắc phục nó”. Bà Hedegaard cho rằng, Liên minh châu Âu chỉ thải ra khoảng 11% lượng khí thải trên toàn cầu, và họ không thể giải quyết hiện tượng nóng lên của Trái đất mà không có sự tham gia của những nước đã thải ra 89% lượng khí thải còn lại.
Ngược lại, những quốc gia đang phát triển lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và một số nước khác thì nói rằng họ vẫn đang phải chống lại nghèo đói và rằng hàng chục triệu người dân nước họ vẫn còn chưa có điện và nước. Việc chấp nhận sự ràng buộc về pháp lý tương đương các nước giàu có thể làm ảnh hưởng đến địa vị các nước đang phát triển của các nước này, cho dù có một số ít các quốc gia giàu có còn tích cực hơn nhiều so với Trung Quốc trong việc kiềm chế sự gia tăng lượng khí thải của họ.
Bà Christiana Figuere, thư ký điều hành Hiệp định Khung về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc nói: “Sự phân chia Nam-Bắc về trách nhiệm lịch sử vẫn đang được coi trọng hơn so với phương pháp phân chia theo khả năng của từng quốc gia mà chúng ta đang hướng tới”. Bà cho rằng, nếu không có thỏa thuận nào được ký kết, thì các nước cần phải tìm cách đưa ra một số thỏa thuận tạm thời nhằm giữ cho các cuộc đàm phán vẫn được tiếp tục.
Theo Nhandan
Ý kiến ()