Thứ 5, 17/04/2025 08:38 [(GMT +7)]
Phương pháp "giáo dục kỷ luật tích cực" ở Trường THPT Việt Bắc
Thứ 4, 12/09/2012 | 10:30:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Phương pháp “giáo dục kỷ luật tích cực” là biện pháp giáo dục học sinh không dùng đến các hình thức trừng phạt mà áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực, phù hợp để học sinh giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách toàn diện, bền vững.

Một buổi tư vấn tâm lý cho học sinh Trường THPT Việt Bắc
Là một trường gồm con em các gia đình địa bàn thành phố, Trường THPT Việt Bắc gặp nhiều khó khăn trong công tác giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức (GDĐĐ) cho học sinh. Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trường học, từ trước đến nay, nhà trường đã áp dụng các biện pháp, kể cả biện pháp “cứng rắn”, song hiệu quả chưa được như mong muốn, nhiều khi lại phản tác dụng.
Trong vài năm học gần đây, nhà trường đã thay đổi tư duy và đề ra các giải pháp phù hợp trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Trong đó, ngoài sự phối hợp giữa các đoàn thể trong nhà trường, giữa nhà trường với các lực lượng xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, nhà trường coi trọng công tác giáo dục pháp luật, đưa nội dung giáo dục đạo đức vào các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, GDCD…Trong giáo dục đạo đức, nhà trường luôn đề cao vai trò của đội ngũ giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp. Trong mỗi giờ học, ngoài việc truyền thụ kiến thức, đội ngũ giáo viên bộ môn quan tâm nắm thông tin của học sinh về học tập, sự chuyên cần, nền nếp, tác phong sinh hoạt, quan hệ trong và ngoài nhà trường. Mỗi giờ học, giáo viên bộ môn phải thực sự là người thay thế nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm để quản lý, giáo dục học sinh và là một kênh thông tin quan trọng để nhà trường và giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tâm lý học sinh. Với vai trò là người thầy, người bạn lớn của học sinh, giáo viên chủ nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, bồi dưỡng kỹ năng sống cho các em. Vì vậy, nhà trường luôn cân nhắc kỹ càng việc chọn cử giáo viên chủ nhiệm dựa trên năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, lòng nhiệt tình, yêu nghề. Giáo viên chủ nhiệm lớp như người cha, người mẹ của các em, có mối quan hệ gần gũi với phụ huynh học sinh, được phụ huynh tin yêu chia sẻ. Chính sự quan tâm sâu sắc của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm đến hoàn cảnh của từng em đã dần cảm hóa được các em. Bên cạnh đó, sự trao đổi thường xuyên giữa ban đại diện cha mẹ học sinh với nhà trường đã tạo sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình, trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Ông Nguyễn Đình Thuần, Trưởng ban đại diện hội cha mẹ học sinh nhà trường cho rằng, sự gắn kết ấy đã tạo thành sự thống nhất và đồng bộ trong giáo dục và đã có tác dụng rất tốt.
Ngay từ giữa năm học 2011-2012, nhà trường đã tổ chức tập huấn tư vấn tâm lý học đường cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường; thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường do Phó Hiệu trưởng làm trưởng ban. Đây là nét mới trong hoạt động giáo dục đạo đức trong nhà trường. Trong thời gian qua, Ban đã tổ chức tư vấn tâm lý học đường được 2 buổi với tổng số 80 học sinh còn hạn chế về đạo đức; ngoài ra còn thường xuyên gặp gỡ, tư vấn tâm lý cho học sinh chậm tiến, vi phạm nội quy, quy định của nhà trường. Từ sự hiểu biết và chân thành của các thầy cô trong tổ tư vấn, nhiều học sinh đã mạnh dạn tìm đến tâm sự và nhận được những lời khuyên cần thiết. Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Vương Xuân Thuận, Phó Hiệu trưởng, trưởng ban tư vấn tâm lý học đường của nhà trường nói: “Với đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết với nghề, nắm chắc tâm lý học đường và ban tư vấn tâm lý học đường làm nòng cốt, bước đầu nhà trường đã thành công với phương pháp giáo dục này. Bằng chứng là nhiều em đã tự nguyện đến xin được tư vấn và đã có sự tiến bộ khá nhanh”.
Từ sự thành công bước đầu của trường THPT Việt Bắc trong việc áp dụng phương pháp “giáo dục kỷ luật tích cực”, bước vào năm học 2012-2013, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo 7 trường triển khai công tác này và sẽ được triển khai đồng loạt trong năm học tiếp theo.

Poll
Ý kiến ()