Phương án quy hoạch tốt phải tạo ra được giá trị gia tăng trong tương lai
Theo đại biểu Quốc hội, nếu như phương án quy hoạch không có khả năng tạo giá trị gia tăng trong tương lai thì chỉ thu hút nhà đầu tư ngắn hạn đến đầu tư để kiếm cơ hội trước mắt và sau đó sẽ rời đi, điển hình của tình trạng này là rất nhiều những khu đô thị quy hoạch tràn lan với nhà thấp tầng, hàng trăm ha nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ thị trường để phát triển các dịch vụ.
Sáng 28/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Trong phiên thảo luận, phần lớn các đại biểu đồng thuận với việc xây dựng luật chung cho quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Hiện tại, quy hoạch đô thị thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, còn quy hoạch nông thôn lại được điều chỉnh theo Luật Xây dựng.
Các đại biểu cho rằng, đây là cơ hội để nhìn lại tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn, từ đó xây dựng một hệ thống quy hoạch đồng bộ, logic, mang tính tầng bậc, làm tiền đề, căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên...
Quy hoạch cần thể hiện được tính tích hợp để vừa bao quát hết các đối tượng cần quy hoạch, nhưng không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau.
Quy hoạch đô thị không phải chỉ để bán đất
Phát biểu trong phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặt yêu cầu, Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phải tạo ra được những khu đô thị phát triển bền vững.
“Một phương án quy hoạch chỉ phát triển bền vững khi việc triển khai thực hiện tạo ra được cái giá trị gia tăng trong tương lai”, đại biểu Cường làm rõ ý kiến.
Thực tế, nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư thực hiện các phương án quy hoạch với kỳ vọng hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong tương lai. Các giá trị gia tăng cũng là cơ sở tạo sức hút, kéo người dân đến sinh sống, tạo thêm các việc làm, tạo ra dịch vụ tại chỗ. Những điều này là cơ sở tạo nên một khu vực ngày càng phát triển và phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, đại biểu Cường nói, có rất nhiều khu đô thị được quy hoạch tràn lan nhà thấp tầng, diện tích hàng trăm hecta, nhưng quy mô dân số rất nhỏ, không đủ quy mô thị trường để phát triển các dịch vụ. “Không có dịch vụ thì người dân không đến sống. Các nhà đầu tư sẽ không đầu tư dài hạn vào đấy. Như vậy, quy hoạch này chỉ giải quyết được mục tiêu trước mắt là bán đất đô thị thu tiền và sau đấy thì không phát triển được”, ông Cường thẳng thắn nhắc đến những ví dụ đang xảy ra trên thực tế.
Trên cơ sở các phân tích này, ông đề nghị phải luật hóa các phương án quy hoạch đô thị dựa trên cơ sở đánh giá, so sánh chi phí trước mắt, lợi ích trong tương lai của phương án, đặc biệt là so sánh giữa chi phí, lợi ích trong việc sử dụng đất.
Ông đề nghị phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD, cụ thể kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng, tránh tình trạng như hiện nay là các dự án đô thị được đầu tư trước, sau đó tạo ra những bức bách hạ tầng buộc Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư.
“Trường hợp này, Nhà nước vừa khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, vừa mất tiền đầu tư mà người hưởng lợi lại là chủ đầu tư dự án”, đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu.
Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch
Một điểm mới trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy cho quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý tại khu vực đô thị và nông thôn, đồng thời nâng cao chất lượng quy hoạch.
Góp ý kiến liên quan nội dung phân cấp, phân quyền, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, thời gian qua, việc tổ chức lập, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị tại các địa phương còn thiếu chủ động do quy định việc tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại 3 trở lên là thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại dự thảo Luật đã hướng tới tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, song cần làm rõ cơ sở sự cần thiết về quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị loại 1 trở lên cũng như việc Bộ Xây dựng phải tham gia ý kiến về quy hoạch chung đô thị loại 3 trở lên trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch.
Đối với trường hợp các quy hoạch được quy định tại dự thảo luật phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, đại biểu cho rằng dự thảo cần phải làm rõ khi địa phương thực hiện điều chỉnh cục bộ có cần thiết phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng hay không? Biện pháp nào được quy định để bảo đảm quy hoạch đã được địa phương phê duyệt, không bị điều chỉnh tùy tiện, phá vỡ quy hoạch, dẫn đến chất lượng môi trường sống, làm việc của đô thị và nông thôn bị suy giảm.
Có chung mối quan tâm, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 theo hướng: việc lấy ý kiến chính của Bộ Xây dựng chỉ nên thực hiện đối với các quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã có quy mô dân số và dự báo tương đương quy mô dân số đô thị loại 2 trở lên.
Còn quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự kiến tương đương với quy mô dân số đô thị loại 3 trở lên thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phù hợp theo chủ trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
“Hiện nay, trong dự thảo quy định đối với quy hoạch chung các thành phố thuộc tỉnh, thị xã có quy mô dân số dự báo tương đương với quy mô dân số đô thị loại 3 trở lên cũng yêu cầu phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Chúng tôi đề nghị chỉ áp dụng đối với đô thị loại 2 cho phù hợp với điều kiện thực tiễn”, đại biểu nêu quan điểm.
Ý kiến ()