Phương án mới tuyển sinh ĐH-CĐ: Nhiều trường than
Sau khi Bộ GD-ĐT cho phép kéo dài thời gian xét tuyển cho các trường đến 31-12 và thí sinh được photocopy giấy báo điểm không hạn chế để mang đi xét tuyển, nhiều trường cho rằng phương án mới này dễ dẫn tới hiện tượng thí sinh ảo.
Các trường tỏ ra không đồng tình với phương án kéo dài thời gian xét tuyển
Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, nói rằng nếu 1 thí sinh (TS) gửi 5 giấy xét tuyển và vào học một trường thì tỉ lệ ảo đã lên đến 80%.
TS cứ nộp hồ sơ xét tuyển, trường cứ đinh ninh TS đến và gửi giấy gọi. Nhưng nếu gửi giấy gọi 10 TS mà chỉ có 2 người đến học thì chết” – ông Sơn nói.
“Tăng thêm nhiều nguyện vọng thì tốt cho TS nhưng ảo thì sẽ nhiều lắm, sẽ kéo dài quá trình tuyển sinh và gây nên sự lộn xộn” – một chuyên gia tuyển sinh khu vực phía Nam nhận định.
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng ngoài cái lợi là tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu, việc kéo dài thời gian xét tuyển khiến quá trình tuyển sinh quá dài, niên học sẽ có sự thay đổi.
Bà Trần Hoàng Thi Diễm Ngọc, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Dân lập Thăng Long (Hà Nội), nhận định: Đó là quá trình xét tuyển lai rai, lẻ tẻ, lắt nhắt, khó đồng bộ, ảnh hưởng về mặt dữ liệu. Sự kéo dài thời gian tuyển sinh còn khiến cho TS đến vào giờ chót (tháng 12) phải học chậm một học kỳ.
Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Phương Đông (Hà Nội), nói: “Chúng tôi nghĩ rằng không nên kéo dài thời gian xét tuyển đến 31-12 vì như thế không giải quyết được vấn đề. Bộ chỉ nên giới hạn đến tháng 11 là đủ”.
Theo ông Hóa, không nên để TS nhân bản quá nhiều phiếu kết quả để xét tuyển.
Ông Hoàng Minh Sơn đề xuất bộ tổ chức một đường tuyển sinh online, trong đó bộ nắm giữ máy chủ để các trường đưa thông tin về tuyển sinh của trường mình lên. Qua đó, thí sinh đăng ký dự tuyển trực tuyến và phần mềm đặc biệt sẽ xử lý thông tin trực tiếp để tránh hiện tượng thí sinh nộp hồ sơ vào, rút đi mà thông tin vẫn tù mù đối với cả bên tuyển và bên dự tuyển.
Ý kiến ()