Phương án hai điểm sàn và vấn đề quản lý giáo dục đại học
Mới đây, khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) dự kiến phương án hai điểm sàn trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) để lấy ý kiến rộng rãi đã gây nên nhiều phản ứng khác nhau trong dư luận xã hội.
Ý kiến trái chiều
Thực tế, một số năm gần đây, tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thậm chí phải đóng cửa ngành và nguy cơ ngừng hoạt động một số trường “tốp dưới”, ngoài công lập (NCL) ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện thi “ba chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả tuyển sinh) như hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, đã hết vai trò. Nhất là căn cứ để xác định điểm sàn tuyển sinh chung cho các trường của Bộ GD và ÐT chưa thật sự thuyết phục, công bằng do chưa bảo đảm yếu tố vùng miền, nhu cầu ngành nghề… Quy định tuyển sinh hiện nay đã tạo điều kiện cho nhiều trường công lập thành lập lâu năm có thể tuyển sinh “vét” bằng điểm sàn, khiến các trường “tốp” dưới, NCL không còn nguồn tuyển. Ðể đổi mới công tác thi, tuyển sinh, Bộ GD và ÐT dự kiến đưa ra hai mức gồm: Ðiểm sàn trên được xác định theo chỉ tiêu như cũ. Ðiểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của ba môn thi của khối thi tương ứng. Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga cho biết, đây là phương án dự kiến dựa trên các diễn đàn điểm sàn, đề xuất của các trường NCL. Bộ GD và ÐT đưa ra phương án khả thi nhất để tham khảo ý kiến rộng rãi, nếu được đồng thuận cao sẽ áp dụng ngay trong kỳ thi năm nay.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ GD và ÐT đưa ra dự kiến phương án hai điểm sàn đã gây nên những ý kiến phản ứng trái chiều. Hiệu trưởng Trường ÐH dân lập Lương Thế Vinh (Nam Ðịnh) Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nên có nhiều điểm sàn, không nên tính theo trung bình các môn mà tính theo phổ điểm các môn. Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng nếu có hai điểm sàn thì không khác gì cùng một chính sách pháp luật, cùng một cơ chế, Bộ GD và ÐT đã “đẩy” một số trường mới thành lập, còn non yếu xuống “công dân hạng hai”. Ðiều đó khiến các trường càng khó khăn trong việc đạt được mục tiêu đề ra trong tuyển sinh, đào tạo, phát triển giáo dục ÐH. Vì vậy, không thể cùng một cơ chế lại có hai điểm sàn. Theo Hiệu trưởng Trường ÐH dân lập Phương Ðông (Hà Nội) Bùi Thiện Dụ: Ðiểm sàn thì chỉ nên có một; không thể gọi sàn mà có hai hay ba sàn. Ðiểm sàn chủ yếu là phân loại, bảo đảm công bằng xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS, VS Ðào Trọng Thi cho rằng: Phương án hai điểm sàn chỉ là một giải pháp tình thế để cứu vãn tình hình các trường NCL không tuyển đủ chỉ tiêu mong muốn. Tuy nhiên, nếu còn duy trì khái niệm điểm sàn như là ngưỡng tối thiểu về năng lực để học sinh theo học chương trình giáo dục ÐH thì việc có hai điểm sàn không lô-gíc, không hợp lý. Vì vậy, việc có quy định hai điểm sàn hay không cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Ðổi mới từ công tác quản lý
Có thể nói, đây không phải là lần đầu vấn đề điểm sàn trở nên “nóng” trong dư luận xã hội. Ðiều đó cho thấy, cần có sự tháo gỡ “nút thắt” trong quản lý giáo dục ÐH vì Bộ GD và ÐT chưa đưa ra được phương án khả thi nhất cho vấn đề thi, tuyển sinh đào tạo ÐH, CÐ hiện nay. Thực tế cho thấy, mỗi năm Bộ GD và ÐT đều có sự thay đổi một vài quy định trong thi, tuyển sinh theo kiểu chắp vá mà chưa đề ra được một thay đổi mang tính đột phá để các trường có thể yên tâm thực hiện. Luật Giáo dục ÐH có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, quy định việc phân tầng giáo dục ÐH theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành. Các cơ sở giáo dục ÐH được phân tầng theo vị trí, vai trò trong hệ thống giáo dục ÐH… Tuy nhiên, các trường ÐH, CÐ hiện nay phát triển không theo một định hướng nào. Vì vậy, nhiều trường được coi là “tốp trên” cũng tuyển sinh đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực và có điểm chuẩn trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn, gây nên sự “hỗn loạn”, khó khăn nguồn tuyển cho các trường “tốp dưới”.
Mặt khác, một số ý kiến cho rằng, năm 2013 tổng chỉ tiêu tuyển sinh ÐH, CÐ khoảng 642 nghìn sinh viên, trong đó các trường công lập khoảng 512 nghìn sinh viên. Nếu các trường công lập có uy tín tuyển sinh vượt 10% chỉ tiêu thì tổng số sinh viên trúng tuyển đã tương đương tổng chỉ tiêu. Như vậy các trường NCL, các trường “tốp dưới” sẽ không còn nguồn để tuyển. Theo GS, VS Ðào Trọng Thi, Bộ GD và ÐT chủ động cho các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo một số tiêu chí quy định (sinh viên/giảng viên; số m2 xây dựng/sinh viên) nhằm bảo đảm chất lượng là hợp lý. Căn cứ kết quả giám sát của Quốc hội năm 2010 và kết quả xử lý một số trường tự xác định chỉ tiêu quá cao so với năng lực cho thấy Bộ GD và ÐT đã không kiểm soát được các trường xác định chỉ tiêu có đúng yêu cầu không. Phần lớn các trường đều xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực bảo đảm chất lượng. Nếu xác định đúng chỉ tiêu, phù hợp năng lực đào tạo thì số thí sinh có kết quả điểm thi từ điểm sàn trở lên sẽ đủ để bảo đảm nguồn tuyển cho tất cả các trường. Nếu Bộ GD và ÐT chủ động khâu kiểm soát xác định chỉ tiêu đúng năng lực ngay từ đầu thì số chỉ tiêu sẽ không bị “đội” lên quá nhiều, dẫn đến khó tuyển sinh. Vì vậy, các trường ÐH, kể cả “tốp trên”, “tốp dưới” hay NCL cũng cần ý thức xác định chỉ tiêu phù hợp năng lực đào tạo.
Luật Giáo dục ÐH có hiệu lực phù hợp thực tiễn phát triển giáo dục, cho phép các trường tự chủ tuyển sinh và chịu trách nhiệm kết quả tuyển sinh. Tự chủ nhưng trong khuôn khổ quy định cụ thể chứ không phải tự chủ là muốn làm gì thì làm. Phương án hai điểm sàn chỉ có thể giải quyết tình thế ngắn hạn và không thể được coi là ngưỡng tối thiểu về chất lượng “đầu vào”. Vì vậy, với mục tiêu bảo đảm cho các trường, nhất là các trường NCL có được nguồn để tuyển sinh, Bộ GD và ÐT cần phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có phương án đổi mới cách thi, tuyển sinh thiết thực, hiệu quả nhất, ổn định, lâu dài, phù hợp với Luật Giáo dục ÐH chứ không phải chắp vá.
Ý kiến ()