Phùng Tiểu Cương "tranh" suất Oscar với Trương Nghệ Mưu
Cuộc đua giành quyền dự tranh Phim tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2010 giữa Đường Sơn đại địa chấncủa đạo diễn Phùng Tiểu Cương và Chuyện tình cây sơn tracủa đạo diễn Trương Nghệ Mưu cuối cùng đã phân thắng bại khi chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là hết hạn ghi danh.
Giành suất tham dự Oscar trong tay Trương Nghệ Mưu
Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Tổng cục trưởng Cục Điện ảnh Trung Quốc Trương Hoành Sâm cho biết, phim dự tranh Phim tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar phải do quốc gia đề cử, với những yêu cầu như: lời thoại không phải bằng tiếng Anh, sản xuất và phát hành bên ngoài nước Mỹ, ra rạp ít nhất 1 tuần… Mỗi năm Trung Quốc đại lục chỉ được gửi một bộ phim tham dự giải thưởng danh giá này. Năm 2010, trong các bộ phim điện ảnh của Trung Quốc, ngoài Chuyện tình cây sơn tracủa Trương Nghệ Mưu, thì chỉ còn Đường Sơn đại địa chấnlà thích hợp nhất.
Cuộc đua giữa 2 cái tên tầm cỡ của điện ảnh Hoa ngữ: Phùng Tiểu Cương (phải) -Trương Nghệ Mưu. |
Suốt thời gian qua, việc ai trong 2 đạo diễn nổi tiếng này giành vé đến Oscar đã trở thành tiêu điểm tranh luận của báo chí, làng điện ảnh và cộng đồng mạng tại Trung Quốc.
Mới đây, công ty Hoa Nghị Huynh Đệ, nhà sản xuất Đường Sơn đại địa chấnđã công bố chiến thắng của mình.
Theo tiết lộ của những người có liên quan, sau khi xem Đường Sơn đại địa chấn, lãnh đạo Cục Điện ảnh đã đánh giá rất cao bộ phim và yêu cầu nhất định phải đem bộ phim này dự giải Oscar. Theo thông lệ, mỗi bộ phim chỉ được tham dự một giải thưởng điện ảnh quốc tế loại A, đây chính là nguyên nhân đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã khéo léo từ chối lời mời rất thịnh tình từ phía LHP Venice.
Tuy nhiên, để đủ tư cách dự giải Oscar, còn một yêu cầu nữa cần đáp ứng: phim phải được trình chiếu ở khu vực Bắc Mỹ. Hiện tại, công ty Hoa Nghị đang dốc toàn lực cho việc đưa phim ra rạp tại Bắc Mỹ, theo dự kiến việc này sẽ được hoàn thành trong tháng 9 tới.
Trương Nghệ Mưu là đạo diễn Trung Quốc thành công nhất tại Oscar với 3 lần đoạt giải Phim tiếng nước ngoài hay nhất cho các phim Cúc Đậu(1990), Đèn lồng đỏ treo cao(1991) và Anh hùng(2003). Ngoài ra, đạo diễn của Vô cực– Trần Khải Ca cũng một lần được vinh danh với Bá vương biệt cơnăm 1993.
Từ chối Chương Tử Di
Đường Sơn đại địa chấn lấy đề tài từ trận động đất lớn 7.8 độ richer ở Đường Sơn năm 1976 làm hơn 420.000 người chết. Kịch bản phim cải biên từ tiểu thuyết Dư chấncủa nhà văn Trương Linh, kể về một câu chuyện “23 giây và 32 năm”.
Trận động đất diễn ra trong 23 giây đã biến cả Đường Sơn thành một đống đổ nát, người mẹ trẻ trước nỗi đau chỉ có thể cứu một trong hai đứa con đã buộc phải bỏ lại cô chị để cứu cậu em. Quyết định đó đã thay đổi vận mệnh của cả gia đình, khiến những người may mắn sống sót bị ám ảnh, dằn vặt suốt 32 năm, cho đến khi diễn ra trận động đất Tứ Xuyên năm 2008.
Bộ phim không chỉ khắc họa bi kịch con người trong khoảnh khắc đối diện với sự sống và cái chết, mà còn khắc họa vết thương không thể chữa lành trong tâm hồn họ; nhưng vẫn gửi đến một thông điệp về niềm tin và hy vọng ngay trong những hoàn cảnh bi thảm nhất.
Chương Tử Di bị từ chối vì… quá nổi tiếng |
Sau khi đọc kịch bản, nàng Hoa đán Chương Tử Di đã chủ động xin một vai trong phim, song bị từ chối thẳng thừng, do đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã quyết tâm “chơi trội” phá kỉ lục phòng vé với một dàn diễn viên mới. Poster phim với hình ảnh một cô bé vô danh là lời thách thức ngạo ngược với các bộ phim bom tấn “lấp lánh sao” của đại lục gần đây.
Poster “Đường Sơn đại địa chấn” |
Ra rạp tại Trung Quốc ngày 12/7/2010, hiện tại, doanh thu của bộ phim đã vượt mức 400 triệu NDT (khoảng 1100 tỉ đồng), giúp Phùng Tiểu Cương giữ vững danh hiệu “vua phòng vé”. Đây được coi là một điểm thú vị của thị trường phim đại lục, khi từ Điện thoại di độngđến Thiên hạ vô tặc, từ Phi thành vật nhiễuđến Đường Sơn đại địa chấn, khán giả luôn không tiếc lời chê phim của đạo diễn họ Phùng sặc mùi thương mại, nhưng vẫn cứ tình nguyện móc hầu bao nuôi béo phòng vé. Trong khi đó, riêng doanh thu từ quảng cáo của bộ phim cũng đạt tới 40 triệu NDT (110 tỉ đồng). Vốn đầu tư làm phim là 120 triệu NDT.
Xét cả về trình độ sản xuất và doanh thu phòng vé, Đường Sơn đại địa chấnrõ ràng là bộ phim “bom tấn” hiếm có của điện ảnh đại lục những năm gần đây. Tuy nhiên, để dự giải Oscar, bộ phim vẫn còn nhiều vấn đề.
Đề tài nóng hổi, đậm chất nhân văn là thế mạnh của bộ phim |
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Giả Lỗi Lỗi – người từng nhiều năm làm giám khảo cho các giải thưởng điện ảnh danh giá nhất của Trung Quốc như Kim kê, Bách hoa – cho biết, giải thưởng Oscar tuy thuộc lĩnh vực điện ảnh nghệ thuật, nhưng những bộ phim đạt giải hầu hết đều lấy đề tài mang tính thời sự. Đường Sơn đại địa chấnphản ánh những nội dung mang tính nhân văn như tình người, tinh thần quyết không bỏ cuộc, ý chí phi thường của con người trước thiên tai, có ý nghĩa hiện thực sâu sắc, khá phù hợp với “khẩu vị” của BGK Oscar. Ngoài ra, sức ảnh hưởng tại nước ngoài cũng là một “điểm cộng” cho bộ phim.
Ông Lưu Khiết Đông, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu điện ảnh Trung quốc cũng cho rằng doanh thu phòng vé chính là một ưu thế nữa của bộ phim; bởi doanh thu phản ánh sự nhìn nhận của công chúng đối với tác phẩm điện ảnh, và đây là một trong những tiêu chí quan trọng của việc xét giải Oscar qua các năm.
Tuy nhiên, cũng nhiều chuyên gia nhận định, những vấn đề như các “xen” quảng cáo quá nhiều và lộ liễu, các “sạn” trong kịch bản và biên tập… sẽ là điểm yếu của bộ phim này.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Phùng Tiểu Cương và đồng sự cho biết họ không đặt nặng vấn đề được giải, nên sẽ đến Oscar với một tâm thế thoải mái nhất.
Ý kiến ()