Phục vụ đắc lực cải cách hành chính
LSO-Từ năm 2007 đến nay, Lạng Sơn tích cực triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO (hệ thống ISO) vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở 2 phiên bản: TCVN ISO 9001:2000 và TCVN ISO 9001:2008. Qua đó phục vụ đắc lực công tác cải cách hành chính (CCHC) ở tỉnh.
![]() |
Thủ tục hành chính áp dụng thực hiện theo hệ thống ISO được niêm yết công khai tại Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng tỉnh |
Công khai, minh bạch quy trình giải quyết
Tại Sở Nội vụ, hệ thống ISO 9001:2008 được xây dựng và áp dụng trong phạm vi lãnh đạo sở và 9 phòng, ban trực thuộc. Hệ thống bao gồm 12 hoạt động hỗ trợ công tác quản lý điều hành và 46 quy trình áp dụng. Sở có 62 thủ tục hành chính (TTHC) thì gần 100% TTHC được giải quyết theo tiêu chuẩn được niêm yết công khai, minh bạch quy trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả tại bộ phận một cửa và trang thông tin điện tử.
Ông Vũ Đức Thiện, Chánh Văn phòng Sở Nội vụ cho biết: Việc công khai, minh bạch quy trình giải quyết hồ sơ TTHC giúp lãnh đạo đơn vị thuận tiện trong rà soát, đánh giá và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận và trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ. Qua đây giúp tổ chức, cá nhân giám sát thực hiện các quy định của nhà nước vào thực tế giải quyết công việc, TTHC tại đơn vị. Đơn cử như: quy trình điều động, tiếp nhận công chức, viên chức, công khai rõ thời gian giải quyết là 5 ngày. Nếu thấy quá hạn, tổ chức, cá nhân có quyền phản ánh, kiến nghị.
Không riêng Sở Nội vụ, hiện toàn tỉnh có 122 cơ quan, đơn vị hành chính (bao gồm 21 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 11 UBND cấp huyện, 13 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, 34 phòng chuyên môn cấp huyện, 25 đơn vị sự nghiệp trực tiếp phục vụ quản lý nhà nước và 18 UBND cấp xã) xây dựng, áp dụng hệ thống ISO đều công khai, minh bạch các quy trình. Ông Trần Quốc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo Lường – Chất lượng tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo áp dụng HTQLCL tỉnh cho biết: HTQLCL đã hỗ trợ đắc lực cho việc công khai, minh bạch quy trình, thủ tục giải quyết công việc theo yêu cầu của tổ chức và công dân; giúp vận hành cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiệu quả hơn. Nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC và công việc liên quan đến tổ chức, người dân. Hệ thống còn tạo điều kiện để người đứng đầu kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công.
Cải tiến các bước giải quyết công việc
Trung bình mỗi năm, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo áp dụng HTQLCL tỉnh kiểm tra tình hình xây dựng, áp dụng hệ thống ISO tại 40/122 đơn vị. Qua kiểm tra, khoảng 80% cơ quan, đơn vị có hoạt động cải tiến hệ thống. Riêng trong đợt kiểm tra lần 1 năm 2017, 79% đơn vị (15/19 đơn vị) thực hiện hoạt động cải tiến cơ bản theo yêu cầu tiêu chuẩn nhằm rút ngắn thời gian giải quyết công việc, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, cá nhân. Qua tổng hợp cho thấy, trung bình hằng năm, mỗi cơ quan, đơn vị loại bỏ từ 4 đến 10 quy trình không phù hợp, viết mới từ 10 đến 20 quy trình, sửa đổi 25 quy trình. Có những quy trình sau sửa đổi, viết mới đã cắt giảm từ 7 đến 10 bước xuống còn 3 – 5 bước… Những tháng đầu năm 2017, các sở: Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giáo dục và Đào tạo; Tài chính; Công thương; Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và một số phòng ban chuyên môn cấp huyện thực hiện tương đối tốt công tác này.
Sau 10 năm triển khai, hệ thống ISO liên tục được cải tiến, đơn giản hóa quy trình xử lý công việc chuyên môn, thực sự trở thành công cụ phục vụ đắc lực nhiệm vụ CCHC. Thời gian tới, Sở KH&CN (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo áp dụng HTQLCL tỉnh) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường triển khai hệ thống đến UBND cấp xã.
MINH ĐỨC

Ý kiến ()