Phục tráng hồng không hạt Bảo Lâm
LSO- Nếu như trước năm 2010, toàn huyện Cao Lộc có trên 400 ha hồng thì đến năm 2015, diện tích giảm hơn 100 ha. Chính vì vậy, huyện Cao Lộc đã và đang đẩy mạnh phục tráng cây hồng không hạt Bảo Lâm và coi đây là cây trồng chủ lực của huyện.
Trên địa bàn huyện Cao Lộc, hồng không hạt Bảo Lâm được trồng chủ yếu tại các xã: Bảo Lâm, Hòa Cư, Phú Xá, Lộc Yên, Hải Yến… Từ lâu, loại quả này được người tiêu dùng ưa chuộng bởi độ giòn, ngọt đậm đà, thịt quả mịn, nhiều cát, đặc biệt là quả không có hạt. Những năm gần đây, nhu cầu về loại quả này tăng cao song sản lượng ngày càng thấp.
Nguyên nhân là tình trạng sâu bệnh hại cây hồng diễn ra trên diện rộng nên tỷ lệ quả đậu thấp. Thời gian từ khi trồng bằng rễ đến khi cho quả mất khoảng 10 năm, do đó, nông dân thường chú trọng phát triển các cây trồng ngắn ngày chứ chưa coi đây là cây chủ lực.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Tháng 12/2017, UBND huyện phê duyệt dự án cải tạo, phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả an toàn và bền vững giai đoạn 2017 – 2021. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ, xác định nguyên nhân suy giảm năng suất, chất lượng; phối hợp với UBND các xã rà soát, vận động các hộ đăng ký mở rộng diện tích và cải tạo vườn hồng.
Nông dân xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc chăm sóc hồng không hạt Bảo Lâm
Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện trồng mới 35 ha cây hồng không hạt Bảo Lâm có ưu điểm nổi trội (chiết, ghép để tạo ra thế hệ cây con ưu tú). Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoàn thiện và chuyển giao 3 quy trình công nghệ mới về sản xuất cây giống, thâm canh, quy trình thu hoạch, bảo quản sản phẩm… cho 9 xã có diện tích trồng hồng cao; tổ chức 5 khóa chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 200 hộ trồng hồng. Xây dựng mô hình sản xuất cây giống với số lượng 10.000 – 15.000 cây giống/năm.
Đặc biệt, với 100 ha cần cải tạo, thâm canh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn nông dân tiến hành biện pháp “rửa cây” nhằm hạn chế tình trạng sâu bệnh và tình trạng rụng quả. Theo đó, sau khi thu hoạch, bà con tiến hành cắt tỉa cành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun cả vườn; khi cây ra quả tiếp tục xử lý bằng thuốc chống rụng quả. Nhờ đó, đến nay, trên cây hồng hầu như không xuất hiện bệnh thán thư, tình trạng rụng quả được cải thiện rõ rệt. Ông Đoàn Văn Sáng, thôn Bản Luận, xã Hòa Cư cho biết: Những năm trước, quả rụng nhiều nên có thời điểm tôi bỏ không chăm sóc. Vừa qua, được đi trao đổi học tập kinh nghiệm tôi đã bắt tay vào cải tạo vườn hồng. Nhờ đó, hồng không hề có hiện tượng rụng quả.
Ông Hoàng Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Hòa Cư cho biết: Toàn xã có hơn 60 ha hồng không hạt Bảo Lâm, trong đó, hơn 45 ha đang cho thu hoạch. Xã có 60 hộ gia đình đăng ký tham gia dự án cải tạo và phát triển cây hồng với số lượng 6.880 cây. Vừa qua, chúng tôi đã triển khai hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho trên 100 hộ trồng hồng trên địa bàn.
Những năm tiếp theo, huyện phấn đấu trồng mới ít nhất 4,5 ha/năm. Khoảng 1 tháng nữa, hồng không hạt Bảo Lâm sẽ cho thu hoạch. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, do các loại bệnh hại cây hồng được khống chế nên tình trạng rụng quả được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ đậu quả và giữ quả rất cao, tại nhiều vườn, nông dân phải chống, đỡ cho cây khỏi gãy, đổ. Dự báo, năm nay, người trồng hồng được mùa. Bên cạnh phục tráng, thời gian tới, huyện sẽ tiến hành quảng bá và xây dựng mô hình sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm… góp phần nâng cao giá trị quả hồng không hạt Bảo Lâm, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Ý kiến ()