Phục hồi việc làm cho công nhân ngành da giày, dệt may
Ở Việt Nam, dệt may và da giày là những nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tạo việc làm cho hàng triệu lao động và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ xuất khẩu, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến doanh nghiệp và lao động trong nhóm ngành nghề này trong hai năm qua.
Khi một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật… mở cửa trở lại, các đơn hàng không còn khan hiếm nhưng nghịch lý là nhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực phía nam vẫn phải từ chối đơn hàng do thiếu lao động. Bên cạnh đó, chi phí tăng cao, cộng với các biện pháp phòng, chống dịch khiến các doanh nghiệp dè dặt hơn trong việc ký kết hợp đồng.
Nghiên cứu “Tác động của Covid-19 đến việc làm và đời sống của người lao động ngành dệt may và da giày ở Việt Nam” do Viện Công nhân và Công đoàn tiến hành khảo sát thời gian qua cho thấy, dịch bùng phát lần thứ tư ước tính có khoảng gần một triệu lao động dệt may bị ảnh hưởng do phải nghỉ việc, nghỉ việc luân phiên, giảm giờ làm, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, thu nhập giảm sút. Dịch bệnh ảnh hưởng tới hơn 94% người lao động tham gia khảo sát. Trong đó, hơn 60% ngừng việc, 27% làm việc ba tại chỗ và 6% làm việc luân phiên. Có tới 81% người lao động cho biết tiền thưởng, phụ cấp, tiền làm thêm giờ đều bị giảm hơn một nửa. Trước sự tác động của Covid-19 đến thu nhập, đã có: gần 50% người lao động phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu trong gia đình; gần 26% người lao động phải sử dụng đến tiền tiết kiệm; 20,1% người lao động phải vay mượn người thân/ngân hàng. Đáng chú ý, 1,4% người lao động phải vay tín dụng đen với lãi suất cao để trang trải cuộc sống.
Tại đối thoại: “Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành Dệt may-Da giày Việt Nam” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam phối hợp tổ chức đưa thông tin: suốt ba, bốn tháng sống trong nhà trọ thiếu thốn cả tinh thần, vật chất, không có việc làm, không có tiền trang trải cuộc sống, ảnh hưởng lớn đến tâm lý công nhân. Có tới hơn 60% công nhân lao động di cư thuộc hai ngành này muốn trở về quê hoặc đã trở về.
Để công tác phòng, chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, các chuyên gia lao động, công đoàn kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch linh hoạt song hành cùng phương án sản xuất an toàn, kết hợp các biện pháp hỗ trợ để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là khôi phục tâm lý của người lao động.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ đến nhanh sẽ tác động tới niềm tin của người lao động với Chính phủ và chủ doanh nghiệp. Nhất là, đối với những lao động đã được tạo điều kiện cho họ về quê thì giờ đây, Nhà nước, doanh nghiệp cần tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện cho họ trở lại thành phố làm việc tại các khu nhà trọ xanh, có phương tiện đưa đón công nhân trở lại làm việc, hoặc hỗ trợ phương tiện. Nhằm giảm bớt sự thiếu hụt lao động trong hai ngành nghề, các nhà chính sách cho rằng, nhà tuyển dụng có thể điều chỉnh mức lương cao hơn so với hiện tại, nhờ đó doanh nghiệp mới có khả năng tuyển người dễ dàng hơn. Đồng thời, cải thiện môi trường, không gian, thời gian làm việc giúp nhân viên cân bằng được công việc, cuộc sống. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho người lao động khi họ quay trở lại doanh nghiệp.
Bên cạnh các giải pháp chủ động chia sẻ, hỗ trợ người lao động, tổ chức công đoàn cần tiếp tục chủ động phối hợp với doanh nghiệp, cơ quan rà soát lại lực lượng lao động, chủ động phối hợp xây dựng phương án lao động, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nguồn lao động. Tăng cường thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại, thông tin đa chiều giữa người sử dụng lao động, người lao động, nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm việc làm cho người lao động, giúp ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Phối hợp doanh nghiệp đẩy mạnh tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật, phát huy hiệu quả các tổ tư vấn để kịp thời hỗ trợ, tổng hợp phản ánh, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền. Chỉ đạo tổ chức Tài chính vi mô có chính sách hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay, gia hạn trả nợ cho đoàn viên công đoàn, lao động khó khăn; hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động, chống tín dụng đen. Thúc đẩy thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch theo các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các gói hỗ trợ của công đoàn ngành.
Về lâu dài, vai trò của Công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng sẽ là một trong những chủ đề cần triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2022 để có thể giúp người lao động ứng phó với dịch bệnh. Cơ chế này không chỉ được thực hiện ở cấp cơ sở mà cần tăng cường, thúc đẩy hơn nữa thương lượng ở các nhóm doanh nghiệp tại địa phương. Trong những ngành, cấp tỉnh cũng như cấp Tổng Liên đoàn cũng cần có nhiều hơn nữa các cuộc tọa đàm, trao đổi về sự chỉ đạo, phối hợp giữa ba bên và trong quan hệ lao động, nhằm thúc đẩy được cơ chế đối thoại và thương lượng có chất lượng tốt hơn trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()