Phục hồi sản xuất theo phương châm "hai nhanh", "ba tốt"
Thích ứng từng bước tiến tới chung sống an toàn với dịch bệnh, các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước vừa chủ động phục hồi sản xuất, vừa tích cực đổi mới mô hình, quy mô, liên kết phát huy tiềm năng, thế mạnh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, hội nhập.
Thích ứng sản xuất an toàn
Công ty TNHH MTV Thế Vinh (huyện Bù Đăng) là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu điều nhân trắng. Để bảo đảm an toàn sản xuất, công ty quy định nhân viên hạn chế tiếp xúc với người ngoài, duy trì “5K” và thường xuyên khử khuẩn khu vực sản xuất, kho hàng, khu lưu trú của công nhân và giám sát y tế. Công ty bố trí 2/3 công nhân nghỉ tại khu lưu trú và hỗ trợ ăn uống 60.000 đồng/ngày/người. Những công nhân khi trở lại làm việc đều được xét nghiệm Covid-19. Nhân viên giao dịch từ các đơn vị khác đến được bố trí vị trí giao hàng, làm việc ở khu vực riêng nhằm hạn chế tiếp xúc.
Công ty TNHH Y&J International, huyện Chơn Thành, nhanh chóng phục hồi sản xuất. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các doanh nghiệp đều chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, kỹ năng, thói quen, quy định cho người lao động thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới, đồng thời tăng cường khuyến cáo, cảnh báo, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các doanh nghiệp chủ động tăng cường kiểm soát, giám sát an toàn dịch bệnh từ xa, từ vòng ngoài, định kỳ tổ chức xét nghiệm cho công nhân, phối hợp tổ chức, duy trì lực lượng y tế lưu động. Các khu công nghiệp đều có khu trạm xá, khu cách ly riêng và có chính sách hỗ trợ khi công nhân phải tạm nghỉ việc. Người lao động phải ký cam kết với doanh nghiệp về chấp hành quy định phòng, chống dịch, di chuyển an toàn. Doanh nghiệp phối hợp địa phương có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm, sàng lọc, hỗ trợ người lao động khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Địa phương khuyến khích doanh nghiệp có xe đưa, đón công nhân và giám sát chặt chẽ người trở về từ các vùng dịch.
Năng động, sáng tạo vượt khó
Tác động của dịch bệnh khiến việc kinh doanh cây cảnh gặp nhiều khó khăn. Công ty TNHH MTV Cây xanh Lê Nhi đã chủ động chuyển đổi sang mô hình cung cấp đa dạng giống rau sạch cho nông dân. Khi giao giống rau, công ty đều cử nhân viên hướng dẫn kỹ thuật, phối hợp tổ chức bảo đảm bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, công ty đã thu hút lượng khách hàng ổn định, duy trì hiệu quả sản xuất, bảo đảm thu nhập của người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp địa phương.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt cơ hội, khắc phục khó khăn, tìm giải pháp, hướng đi mới nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả trong tình hình mới. Với đặc thù có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông, lâm nghiệp, tỉnh Bình Phước định hướng các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất gắn với xây dựng phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi hàng hóa giá trị, có thương hiệu đặc trưng của Bình Phước, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Phước, so với cùng kỳ năm 2020, trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh có gần 900 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 15.900 tỷ đồng, tăng 55,3% về số vốn đăng ký; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,8%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 15,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 30,1%… góp phần thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt trên 9.921 tỷ đồng.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng thực hiện tốt “hai nhanh” (nhanh chóng giải phóng mặt bằng, nhanh chóng thực hiện thủ tục đầu tư) và “ba tốt” (chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt).
UBND tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu phù hợp. Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và huy động các nguồn lực hỗ trợ tài chính, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phù hợp và tăng cường liên kết doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, đặc biệt doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt. Địa phương cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, công nghệ vào sản xuất. Bình Phước đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đồng thời tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm kết nối vùng với các địa phương vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()