Phục hồi ngành du lịch Việt Nam: Tìm giải pháp trong 'tình hình mới'
Để ngành kinh tế mũi nhọn này thực sự phục hồi và phát triển bền vững thì bên cạnh yếu tố chất lượng, việc đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.
Sau 99 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng, đã xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngành y tế và Chính phủ đã tiên lượng trước và “chúng ta đã có sẵn các kịch bản ứng phó.”
Chính vì vậy, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương cần bình tĩnh, không hoảng loạn nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.
Sau thời gian chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19, có lúc gần như tê liệt, ngành du lịch đang thực hiện các giải pháp kích cầu, vực dậy thị trường nội địa, lan tỏa sâu rộng tạo thành xu hướng người Việt Nam đi du lịch trong nước.
Đây là yếu tố then chốt, đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Ngành du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng có kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng , để ngành kinh tế mũi nhọn này thực sự phục hồi và phát triển bền vững thì bên cạnh yếu tố chất lượng, việc đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu!
Điểm tựa để phục hồi
Hà Liên, một đại lý bán vé máy bay và tour du lịch “có số má,” vừa treo một “cảnh báo” trên dòng trạng thái Facebook khuyên các khách hàng không nên đi du lịch vào cuối tuần của tháng Bảy và nửa đầu tháng Tám nếu chưa đặt dịch vụ bởi sự quá tải, cháy phòng ở nhiều điểm du lịch.
Quả thực, chỉ hơn 2 tháng sau khi các doanh nghiệp lữ hành “bắt tay” với các hãng hàng không và nhiều địa phương triển khai các sản phẩm du lịch mới và thực hiện kích cầu du lịch, thị trường du lịch nội địa đã có sự phục hồi mạnh mẽ.
Sự liên kết vùng đã góp phần quan trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo thêm điểm đến và dịch vụ mới cho các tour tuyến nội địa. Điển hình là liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết giữa Quảng Nam-Thừa Thiên-Huế-Đà Nẵng hay chương trình kích cầu du lịch nội địa vùng Tây Bắc.
Cùng đó, nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, FLC, Mường Thanh, Saigontourist, Vietravel, Vietnam Airlines, Vietjet đã hợp tác phát triển các sản phẩm voucher nghỉ dưỡng, combo vé máy bay và phòng khách sạn có ưu đãi từ 20-50%…
Tính đến giữa tháng Sáu vừa qua, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã mở lại 100% đường bay nội địa; Bamboo Airways đã khôi phục trên 50% đường bay so với trước dịch, công suất chuyên chở đạt đến 80%. Vietjet Air tăng thêm nhiều chuyến bay nhằm đáp ứng nhu cầu cao về di chuyển của người dân sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Theo ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt, kích cầu nội địa là một chủ trương đúng và cần thiết để khởi động lại thị trường và giúp du lịch phục hồi lại. Đây cũng là giải pháp để Việt Nam đón cơ hội khi dịch COVID-19 hoàn toàn được kiểm soát và du lịch quốc tế phục hồi, trỗi dậy.
Tuy nhiên, việc khuyến mại giảm giá phải đi đôi với đảm bảo chất lượng chứ không phải giảm giá, làm giảm chất lượng.
“Ví dụ tour 4 sao thì bây giờ thu tiền bằng tour 3 sao trước khi có dịch COVID-19. Hay trọn gói giá phòng, giá tour du lịch mà giảm 20-30% là hợp lý và khách hàng đã vô cùng lợi vì vào mùa cao điểm du lịch trước khi COVID-19 xảy ra, thậm chí khách phải chịu dịch vụ đội giá. Đây là cách kích cầu hợp lý không chỉ giúp khách hàng được hưởng chất lượng dịch vụ tốt mà còn giúp doanh nghiệp được phục hồi thực sự. Còn cách kích cầu kiểu phá giá giảm tới 70% hay bán vé máy bay 0 đồng thì thực chất là triệt tiêu chứ không phải phục hồi,” ông Kế nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang-Khánh Hòa đồng thời là chủ một khách sạn 5 sao, cho rằng giảm giá nhưng phải duy trì được chất lượng và thái độ phục vụ thì mới thu hút và giữ chân được khách du lịch. Theo đó, giá cả phải phù hợp với giá trị, còn giá cả không phù hợp giá trị thì đó là cạnh tranh không lành mạnh và điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến cả hình ảnh của điểm đến du lịch.
Theo nhiều chuyên gia, để đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ khi thực hiện kích cầu du lịch nội địa, sự hỗ trợ của nhà nước với doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp hàng không là thực sự cần thiết.
Trong ngắn hạn, thông lệ nhất là giảm thuế, miễn hoặc giãn nợ cho doanh nghiệp; giảm lệ phí tham quan danh lam thắng cảnh cho dù các giải pháp này có thể khiến nhà nước bị giảm nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, việc triển khai các gói kích cầu du lịch nội địa bằng cách giảm trực tiếp giá tour cho người đi du lịch như Nhật Bản đang thực hiện hay giảm giá vé máy bay và giá phòng khách sạn như Italy đang áp dụng cho người dân cũng là cách tốt thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa.
Đặc biệt, ngành du lịch cần có thêm nhiều sản phẩm độc đáo mới để phục vụ phân khúc khách hàng đặc biệt có khả năng chi trả cao bởi nhóm này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuỗi dịch vụ vận chuyển hàng không, dịch vụ mặt đất, mặt nước, resort hạng sang.
Năm 2020, theo kế hoạch ban đầu, Việt Nam sẽ đưa khoảng 16 triệu khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 chưa được khống chế, khách du lịch Việt Nam chưa thể ra nước ngoài thì đây lại là cơ hội lớn để thu hút phân khúc khách hạng sang nội địa trải nghiệm các tour du lịch đặc biệt mà trước đây chỉ phục vụ chủ yếu cho khách quốc tế.
Một ví dụ điển hình là tour thăm hang Sơn Đoòng, người Việt Nam trước đây khó chen chân vì xếp hàng rất lâu và giá tour lên tới 3.000 USD/khách.
“Đây sẽ là cơ hội vàng cho cả khách nội địa và công ty lữ hành nếu giá tour giảm từ 20-30%. Đây cũng sẽ là nguồn bù đắp đáng kể khi thị trường khách quốc tế chưa được mở trở lại,” ông Kế khẳng định.
Sẵn sàng bứt phá khi mở cửa du lịch quốc tế
Năm 2019, trong tổng doanh thu 752.000 tỷ đồng của ngành du lịch thì doanh thu từ khách quốc tế đến Việt Nam chiếm 55% tỷ trọng, 45% còn lại đến từ du lịch nội địa.
Tuy nhiên, số liệu của Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho thấy thu nhập bình quân trên đầu khách du lịch quốc tế cao hơn rất nhiều so với khách du lịch nội địa khi chỉ có 18 triệu khách quốc tế trong khi có tới 85 triệu khách nội địa. Đặc biệt là nhóm có sức chi trả cao ở các thị trường xa như Australia, Mỹ và châu Âu có mức chi trả gần như gấp đôi so với con số chi trả của nhóm thị trường gần.
Theo các chuyên gia, du lịch sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu với nhiều người dân trên thế giới sau thời gian dài đất nước đóng cửa vì COVID-19 . (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam )
Vì vậy, việc triển khai các giải pháp chuẩn bị trước để đón đầu khách quốc tế trở lại khi tình hình dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi là rất quan trọng giúp phục hồi du lịch quốc tế nói riêng và toàn ngành du lịch nói chung.
Theo ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch TAB, du khách quốc tế có thể quay trở lại chỉ với điều kiện Việt Nam tiếp đón họ an toàn. Điều này cũng giúp loại bỏ rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Hiện nhiều quốc gia ở châu Âu tạo “ bong bóng du lịch ” bằng cách liên kết với nhau để thúc đẩy du lịch quốc tế.
Vì vậy, Việt Nam cũng có thể thu hút khách quốc tế nhanh và hiệu quả bằng cách tạo ra “bong bóng du lịch” là các khu nghỉ dưỡng trọn gói và biệt lập an toàn, thỏa mãn tiêu chí khai thác an toàn cho các nhóm du khách đến bằng các chuyến bay thuê chuyến, cho phép toàn nhóm được giới hạn không gian ở một địa điểm để loại bỏ rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng.
Bổ sung cho giải pháp mở cửa an toàn du lịch quốc tế, Trưởng Ban thư ký TAB Hoàng Nhân Chính cho biết TAB đã gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất về các giải pháp phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19. Theo đó, để có thể mở cửa lại các thị trường quốc tế, rất cần có một quy trình được đồng thuận và một bộ thủ tục mở cửa thị trường.
Các thủ tục cần thiết bao gồm việc mở lại các đường bay và chỉ khai thác các chuyến bay thẳng; miễn visa du lịch; yêu cầu khách nhập cảnh khai báo y tế, đo nhiệt độ khách nhập cảnh; thỏa thuận về việc về việc xét nghiệm xác suất COVID-19 đối với khách đến và thủ tục xét nghiệm, cũng như cài đặt ứng dụng theo dõi được phê duyệt trong thời gian ở Việt Nam; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khác theo thỏa thuận trong các hoạt động du lịch an toàn; thực hiện các biện pháp đóng thị trường (nếu cần thiết) khi xuất hiện rủi ro lây nhiễm trong cộng đồng.
TAB cũng kiến nghị bắt đầu đàm phán với các thị trường nguồn quan trọng nhất và các nước có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp đáng kể nhất. Các thỏa thuận đó sẽ được triển khai và có hiệu lực khi đáp ứng được các tiêu chí, và các chuyến bay thẳng được thiết lập.
Các tiêu chí như vậy sẽ bảo đảm mở dần dần và cần thiết tiếp cận từng bước để vừa làm rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình sau một thời gian, bởi vì Việt Nam chưa từng có tiền lệ ứng phó với loại thách thức này.
Đặc biệt, cùng với hoạt động quảng bá định vị Việt Nam như một “Thiên đường an toàn,” sự chủ động và sáng tạo là rất cần thiết để có được các sản phẩm du lịch hấp dẫn hậu COVID thu hút khách quốc tế.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết, hiện tại sản phẩm nghỉ dưỡng “staycation” cho các khách quốc tế sang Việt Nam để họ cảm thấy an toàn và muốn ở lại làm việc trong một thời gian dài từ 3-6 tháng là khả thi. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch biển cho du khách nước ngoài có nhu cầu đến Việt Nam trải nghiệm văn hoá và sinh sống trong thời gian vài năm cũng là sản phẩm cần tính tới vì đây cũng là một xu hướng khá phổ biến hiện nay.
Theo các chuyên gia, du lịch sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu với nhiều người dân trên thế giới sau thời gian dài đất nước đóng cửa vì COVID-19.
Vì vậy, Việt Nam có cơ hội lớn bứt phá, vượt lên các quốc gia khác trong khu vực để chiếm thị phần lớn hơn trong ngành du lịch thế giới nếu tiếp tục có những sản phẩm tốt, các hãng hàng không mạnh, có sự kết nối tốt, trải nghiệm tốt và sửa chữa được những điểm yếu trong cạnh tranh.
“Sau bão trời lại nắng đẹp.” Vì vậy quan trọng là bình tĩnh suy xét, từ nhà nước cho đến địa phương cho đến các doanh nghiệp du lịch đều phải có tư duy cơ cấu lại. Ví dụ như công nghệ số đóng góp như thế nào? Thị trường khách quốc tế nên thay đổi như thế nào để bớt phụ thuộc quá nhiều vào khách châu Á?
“Trong điều kiện cơ sở vật chất cụ thể của Việt Nam, việc chọn khách có sức chi trả cao sẽ tốt hơn là thu hút số lượng nhưng thực thu về kinh tế không cao. Kinh tế mũi nhọn thì phải nhọn từ chất lượng,” ông Lưu Đức Kế khẳng định./.
Ý kiến ()