Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não
– Theo bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh, di chứng sau đột quỵ não thường rất nặng nề, phục hồi chức năng là cách duy nhất để bệnh nhân sớm hòa nhập với xã hội. Thời gian vàng phục hồi tốt nhất cho bệnh nhân sau đột quỵ nên bắt đầu càng sớm càng tốt, tiến triển nhiều nhất sẽ xảy ra trong khoảng 6 tháng đầu. Sau đột quỵ não, bệnh nhân cần được can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì và liên tục
Với sự phát triển của khoa học, thế giới có nhiều bước tiến vượt bậc kể cả trong lĩnh vực phục hồi chức năng. Bệnh viện Phục hồi chức năng Lạng Sơn tiến hành phục hồi chức năng chủ yếu cho người lớn và người cao tuổi với nhiều chuyên ngành từ phục hồi chức năng do các bệnh lý về thần kinh như: đột quỵ não, các bệnh nhân phục hồi chức năng sau ung thư, hô hấp, tim mạch, đến phục hồi chức năng cho các bệnh lý về cơ xương khớp, thần kinh…
Bệnh nhân tai biến mạch máu não tập vận động trị liệu với các dụng cụ trợ giú p
Đột quỵ não là căn bệnh thường gặp, đặc biệt di chứng sau đột quỵ rất nặng nề. Chính vì thế, đột quỵ được xếp vào loại tổn thương đa khiếm khuyết, tức là khi bị đột quỵ, người bệnh không chỉ bị ảnh hưởng tới chức năng vận động, mà cả tâm lý, nhận thức, ngôn ngữ… đều sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng sau đột quỵ nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương, mức độ tổn thương, bệnh nhân có được cấp cứu đúng cách không, có được đưa đến cơ sở y tế kịp thời hay không….
Nguyên tắc của PHCN sau đột quỵ là cần can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì, liên tục. Bản thân người thân và người bệnh đột quỵ thường lo sợ khi tập vận động sẽ bị tái phát hoặc bị chảy máu não trở lại, có người nằm kiêng tuyệt đối trên giường 5-6 tháng, như vậy sẽ mất thời gian vàng để phục hồi chức năng. Hiện nay, các khuyến cáo mới nhất trên thế giới khuyến cáo, bệnh nhân sau đột quỵ não cần phải tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định, thậm chí ngay khi còn nằm trên giường bệnh, 3 hoặc 4 ngày sau đột quỵ bác sĩ đã khuyến cáo tập PHCN.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đến bệnh viện điều trị kịp thời, tập luyện sớm, đúng cách, sau từ 4 đến 6 tuần tập luyện, có tới 70 đến 80% bệnh nhân có thể tự đi lại với sự hỗ trợ của người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ. “Mốc thời gian bệnh nhân tiến triển rõ rệt nhất là trong 3 tháng đầu sau đột quỵ, khả năng phục hồi sẽ chậm dần đến tháng thứ 6 và gần như thành 1 đường thẳng ổn định sau 1 năm, lúc đó, chúng tôi gọi là di chứng sau đột quỵ” – bác sĩ chuyên khoa II chuyên ngành PHCN Hoàng Xuân Trường cho biết.
Bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều trường hợp phục hồi rất kỳ diệu. Lúc mới nhập viện, bệnh nhân gần như chỉ nằm trên giường, luôn cần người hỗ trợ, nhưng chỉ sau vài tháng tập luyện đúng cách, bệnh nhân đã đi lại được. Tại bệnh viện PHCN tỉnh, bệnh nhân được tập luyện bài bản, cá thể hóa trong từng bài tập tùy theo tổn thương, mức độ bệnh, thể trạng của mỗi người.
Đặc biệt, việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị trong tập luyện rất quan trọng, như kết hợp vận động trị liệu, hoạt động trị liệu (chi trên hoặc nhận thức), phối hợp với ngôn ngữ trị liệu trong trường hợp bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng nuốt, tâm lý trị liệu, hoặc phối hợp với các chuyên gia chỉnh hình thiết kế các nẹp hỗ trợ bệnh nhân vận động….. Cần can thiệp đa mô thức để PHCN cho người bệnh.
Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo những bệnh nhân có các vấn đề về những bệnh mà chúng tôi đã nói ở trên cần đến ngay Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Lạng Sơn số 78, đường Lê Hồng Phong, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn để được khám và điều trị kịp thời.
Ý kiến ()