Phục dựng bộ xương cá voi trên quê hương Hải đội Hoàng Sa
Lưu giữ nhiều khung xương cá voi khổng lồ tại di tích Lăng Tân (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), người dân quê hương Hải đội Hoàng Sa coi đây là báu vật văn hóa từ hàng trăm năm nay.UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt chủ trương phục dựng bộ khung xương cá voi, nhằm lưu giữ nét văn hóa dân gian, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch trên đất đảo tiền tiêu ở Quảng Ngãi.Lăng Tân là nơi thờ tự cá voi (dân gian gọi là cá Ông), Lăng Tân (còn gọi là Sở Đại Dương) còn lưu giữ nhiều bộ xương cá voi lâu đời, kích cỡ lớn nhất. Do chưa có điều kiện phục dựng bảo tồn nên hàng năm ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn tự nguyện quyên góp tiền xây nhà kho, cử người gìn giữ, bảo quản bộ xương cá voi khổng lồ này.Mỗi xương sườn cá voi dài gần 10m, xương ngà (xương quai hàm) dài 4,7m, đường kính đốt sống 0,41m, chiều ngang xương đầu dài 2,9m, chiều ngang xương rẻ quạt 1,6m,... So với bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú (tỉnh Bình Thuận) được...
|
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt chủ trương phục dựng bộ khung xương cá voi, nhằm lưu giữ nét văn hóa dân gian, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch trên đất đảo tiền tiêu ở Quảng Ngãi.
Lăng Tân là nơi thờ tự cá voi (dân gian gọi là cá Ông), Lăng Tân (còn gọi là Sở Đại Dương) còn lưu giữ nhiều bộ xương cá voi lâu đời, kích cỡ lớn nhất. Do chưa có điều kiện phục dựng bảo tồn nên hàng năm ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn tự nguyện quyên góp tiền xây nhà kho, cử người gìn giữ, bảo quản bộ xương cá voi khổng lồ này.
Mỗi xương sườn cá voi dài gần 10m, xương ngà (xương quai hàm) dài 4,7m, đường kính đốt sống 0,41m, chiều ngang xương đầu dài 2,9m, chiều ngang xương rẻ quạt 1,6m,… So với bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú (tỉnh Bình Thuận) được sách kỷ lục Việt Nam công nhận lớn nhất cả nước (gồm xương quai hàm dài 4,2m và xương sườn dài gần 3m) thì bộ khung xương cá voi ở đảo Lý Sơn lớn hơn nhiều lần. Có thể nói, bộ xương cá voi tại Lăng Tân lớn nhất Việt Nam và có cơ hội nằm trong sách kỷ lục quốc gia.
Theo thuyết truyền, vào khoảng năm 1.800, sau khi dìu một con tàu gặp bão vào bờ, cá Ông bị kiệt sức và mắc kẹt trên bờ rồi lụy. Người dân tin rằng, khi cá Ông vào bờ lụy, có nghĩa là cá Ông đi “tu” để tiếp tục bảo hộ cho ngư dân. Nhân dân Lý Sơn khóc thương cá Ông, họ làm đám tang, chôn cất cá Ông theo đúng lễ nghi truyền thống, dựng miếu thờ, bốc cốt cá Ông vào miếu thờ tôn kính gọi là Đồng Đình Đại Vương, thể hiện quyền uy bậc nhất trên biển Đông.
Từ xa xưa, ngư dân Lý Sơn đạp sóng ra Hoàng Sa đánh bắt thủy sản bằng những chiếc thuyền căng buồm, chứ chưa có động cơ, máy móc như hiện nay. Mỗi khi gặp sóng to, gió lớn ập đến, ngư dân cầu nguyện cá Ông che chở. Trong gian nguy, cá Ông luôn xuất hiện cứu giúp ngư dân thoát cửa tử thần giữa đại dương mênh mông. Cho đến nay, hàng trăm bộ xương cá Ông được thờ tại nhiều lăng trên đảo Lý Sơn bao gồm Lăng Ông Nam Hải, Lăng Tân, Lăng Ông, Lăng Chánh, Lăng Thứ, chùa Âm Hồn, Lăng Cồn,…
Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi Phan Đình Độ cho biết: “Để phục dựng bộ khung xương cá voi được thuận lợi, cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như nhà trưng bày, khuôn viên, hệ thống cây xanh,… để phục vụ công tác du lịch mỗi khi khách đến tham quan”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()