Phú Yên phát triển làng nghề truyền thống ven biển
Tỉnh Phú Yên hiện có 8 làng nghề truyền thống ven biển, thu hút gần 1.100 hộ dân tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Theo đó, trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020, phát triển kinh tế làng nghề ven biển gắn với khám phá bản sắc dân tộc sẽ là một trong những hoạt động ưu tiên hàng đầu mà tỉnh đặt ra.
Tỉnh Phú Yên hiện có 8 làng nghề truyền thống ven biển, thu hút gần 1.100 hộ dân tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Theo đó, trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020, phát triển kinh tế làng nghề ven biển gắn với khám phá bản sắc dân tộc sẽ là một trong những hoạt động ưu tiên hàng đầu mà tỉnh đặt ra.
Làng nghề đan thúng chai thôn Phú Mỹ |
Khu vực Gành Đỏ nằm ở phía Nam thị xã Sông Cầu có 70 hộ thuộc xã Xuân Thọ 1 chuyên làm chế biến nước mắm với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Thanh Hương, Ông Già, Bà Mười; mỗi năm đưa ra thị trường không dưới 2 triệu lít nước mắm. Ngoài ra, nhiều hộ còn có nghề chế biến hải sản khô từ cá, tôm, mực, tép. Làng nghề chuyên hấp sấy cá cơm ở xã Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu) và Mỹ Quang thuộc xã An Chấn (huyện Tuy An) thường tập trung hoạt động từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch hàng năm. Vào thời điểm đó, cá cơm xuất hiện nhiều. Cá cơm sau khi đưa lên bờ được cung cấp cho gần 60 lò sấy hấp thủ công để sơ chế qua 3 công đoạn chọn lựa, hấp và phơi. Mỗi lò sấy có từ 30 đến 40 lao động tham gia. Sau đó, cá được bán lại cho thương lái trong và ngoài tỉnh để chế biến xuất khẩu. Cá cơm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được dùng để chế biến nước mắm.
Làng nghề thu hút nhiều lao động nhất là làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân thuộc xã An Cư, huyện Tuy An. Hiện nay, ở Phú Tân có 249 hộ với trên 600 lao động trực tiếp tham gia từ khâu trồng cói đến dệt chiếu với doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng, mỗi lao động có thu nhập từ 60 nghìn đến 80 nghìn đồng/ngày. Làng nghề chiếu cói Phú Tân đã xây dựng một Tổ hợp dệt chiếu với 14 máy dệt, 4 máy may bìa và nhiều thiết bị sản xuất chuyên nghiệp.
Để tạo điều kiện cho làng nghề ven biển phát triển, tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ gần 4 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công và Quỹ giải quyết việc làm. Mới đây, cùng với việc công nhận làng nghề dệt chiếu Phú Tân, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề án phát triển làng nghề chế biến nước mắm ở phường Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) 500 triệu đồng từ Quỹ giải quyết việc làm. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên 60 lao động và thu hút thêm 49 lao động khác làm thêm.
Tỉnh Phú Yên đang sắp xếp lại hoạt động các nghề truyền thống ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó chọn làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân và làng nghề sản xuất và phơi sấy cá cơm Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu) là 2 trong số 5 mô hình làng nghề sẽ hoạt động theo phương thức kinh tế hợp tác. Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tỉnh Phú Yên cũng chọn các tour du lịch đến một số làng nghề ven biển gắn với khám phá bản sắc dân tộc như hò bá trạo, hát bài chòi và khuyến khích người dân làm hàng mỹ nghệ từ vỏ hải sản./
Dangcongsan
Ý kiến ()