Phú Yên phát triển kinh tế trang trại
Với lợi thế đất đai còn nhiều, các địa phương ở tỉnh Phú Yên đang khuyến khích các hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại với nhiều mô hình đa dạng, phong phú. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư công sức, tiền của, biến vùng đất hoang thành những trang trại trù phú, đem lại thu nhập cao, cuộc sống ổn định...Những tỷ phú ở vùng đồi núiVượt 80 km từ thành phố Tuy Hòa đến thăm những trang trại, rộng hàng trăm ha giữa vùng đồi núi mênh mông phía tây huyện Sông Hinh, chúng tôi bị choáng ngợp bởi mầu xanh bạt ngàn của những vườn cà-phê, cao-su, cây ăn trái. Phía dưới là những cánh đồng lúa chín vàng chạy dài từ đập Ea Ly kéo đến tận các buôn làng người Tày, Nùng, Dao.Ông Võ Luận, 62 tuổi, chủ một trang trại vừa đưa chúng tôi đi tham quan, vừa kể: Nhà ông ở thôn Ngọc Phước, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa. Gia đình đông con, năm 1993, ông cùng một số người bạn rời thành phố tìm đến vùng đất Tân Lập, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh để...
Với lợi thế đất đai còn nhiều, các địa phương ở tỉnh Phú Yên đang khuyến khích các hộ gia đình phát triển kinh tế trang trại với nhiều mô hình đa dạng, phong phú. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư công sức, tiền của, biến vùng đất hoang thành những trang trại trù phú, đem lại thu nhập cao, cuộc sống ổn định…
Những tỷ phú ở vùng đồi núi
Vượt 80 km từ thành phố Tuy Hòa đến thăm những trang trại, rộng hàng trăm ha giữa vùng đồi núi mênh mông phía tây huyện Sông Hinh, chúng tôi bị choáng ngợp bởi mầu xanh bạt ngàn của những vườn cà-phê, cao-su, cây ăn trái. Phía dưới là những cánh đồng lúa chín vàng chạy dài từ đập Ea Ly kéo đến tận các buôn làng người Tày, Nùng, Dao.
Ông Võ Luận, 62 tuổi, chủ một trang trại vừa đưa chúng tôi đi tham quan, vừa kể: Nhà ông ở thôn Ngọc Phước, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa. Gia đình đông con, năm 1993, ông cùng một số người bạn rời thành phố tìm đến vùng đất Tân Lập, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh để khai phá đất hoang làm kinh tế. Nơi ông dừng chân đặt những nhát cuốc đầu tiên để khai phá lúc ấy còn rất hoang sơ, thậm chí chưa có tên gọi. Rồi ông và những người bạn đã tự đặt tên cho vùng đất này với các tên gọi gắn liền với tên tuổi của họ, như đồi này là đồi ông Nguyễn Văn Vóc (chủ dự án 327); khu đồi kia là khu đồi Cựu chiến binh, vì sự có mặt đầu tiên của các cựu chiến binh tham gia khai phá lúc bấy giờ. Qua bao năm tháng gian khó, đất đã không phụ lòng người, từ một vài héc-ta sắn, đàn bò, đến hôm nay ông Võ Luận đã có một trang trại rộng gần 31 ha. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ trồng sắn, nuôi bò, rồi lập vườn cà-phê kinh doanh; khi đã có lãi ông Luận bỏ cà-phê chuyển sang trồng cây cao-su có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay ông đã chuyển đổi 20 ha cà-phê sang trồng cao-su, để có vốn nuôi cây cao-su ông trồng xen cây sắn. Ông Luận vui vẻ nói: 'Riêng sắn năm nay giá rất cao, mỗi ha tôi thu lãi 15 triệu đồng; 10 ha cà-phê, bình quân 2 tấn nhân/ha. Năm nay giá cà-phê 50.000 đồng/kg, cũng kiếm được kha khá, cộng các nguồn thu, mỗi năm gia đình cũng có bạc tỷ trong tay…'. Vài năm nữa vườn cao-su cho mủ, trang trại của ông còn cho thu nhập cao gấp nhiều lần bây giờ. Hằng ngày, có hơn 20 lao động làm công cho trang trại ông Luận, có lúc lên đến 30 người.
Nằm cạnh trang trại của ông Võ Luận là trang trại của ông Cao Nguyên Lâm rộng 25 ha cũng có nguồn thu rất cao, trong đó 6,5 ha cây xà cừ, 10 ha cao-su, 2 ha cà-phê cùng một số cây dó bầu, keo lai; xen canh với các loại cây trên là cây sắn, kết hợp chăn nuôi 120 con bò. Lợi nhuận hằng năm khá lớn, chỉ tính riêng 10 ha cao-su, mỗi năm ông thu khoảng 1,5 tỷ đồng, chưa kể vài trăm triệu đồng từ các loại cây khác.
Nơi đây còn hàng chục hộ khác như các hộ ông Tư Cụt, ông Nguyễn Sung, Nông Văn Chân, cũng đang ăn nên làm ra từ những trang trại nối liền nhau rộng hàng trăm ha, có giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Trên vùng đất Ea Ly, nơi có 12 dân tộc anh em đang chung sống, chủ yếu là các dân tộc di cư từ các tỉnh phía bắc vào lập nghiệp. Với tính chịu khó và cần mẫn, trong vòng 10 năm trở lại đây, họ đã biến vùng đất đồi núi cỏ tranh thành những trang trại đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Bàn Nguyên Ngân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly cho biết: Toàn xã có 2.747 ha đất nông nghiệp, trong đó có 826 ha mía, hiện có khoảng 10 trang trại quy mô lớn, chủ yếu trồng cà-phê, cao-su, mía, sắn. Vài năm gần đây, nhờ trồng mía, bà con làm ăn khấm khá, đời sống kinh tế ổn định, nhiều hộ mua được xe ô-tô tải để vận chuyển sản phẩm đưa đi tiêu thụ, xây nhà lầu, mua xe du lịch… Điển hình là hộ anh Nguyễn Ngọc Mỹ (49 tuổi), ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly. Anh Mỹ cho hay, sau ngày cưới vợ năm 1993, gia đình từ xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) lên đây lập nghiệp. Ban đầu làm thuê, tiêu xài tiết kiệm dành tiền mua được thửa đất khoảng 5.000 m2, hai vợ chồng trồng mía và nuôi bò. Hằng năm bò sinh sản và số tiền bán mía cộng với tiền vay ngân hàng anh đầu tư mua đất hoang. Hiện anh Mỹ có 25 ha mía, sản lượng mía niên vụ 2010-2011 đạt 1.500 tấn, với giá mía hiện nay 900.000 đồng/tấn tại ruộng, gia đình anh thu hơn 1,3 tỷ đồng.
Chàng thanh niên Lê Hoài Phong ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, vốn con nhà nghèo, đông con nên nghỉ học sớm. Với quyết tâm làm giàu, hai vợ chồng Phong rời quê đến vùng 13 An Nghiệp để khai hoang, lập trang trại trồng rừng. Sau hơn 10 năm đã biến 40ha đất bạc màu thành rừng kinh tế. Trong khu rừng, anh Phong nuôi hàng chục con bò, nhờ đó cây trồng trên đất nghèo chất dinh dưỡng đã được bổ sung nguồn phân chuồng, nay trở thành rừng cây xanh bạt ngàn.
Không chỉ đàn ông 'sức dài vai rộng' mới làm được điều đó mà phụ nữ 'chân yếu tay mềm' như bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi) cũng mê trồng rừng ở trên đất bạc màu này. Ban đầu, bà trồng mía nhưng do đất có độ dốc lớn, mưa xói lở nên đất bạc màu, bà chuyển sang trồng cây, mỗi năm trồng vài héc-ta. Cứ thế, hơn 10 năm qua cây rừng đã đem lại cho bà Nga nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Để kinh tế trang trại phát triển bền vững
Phong trào làm kinh tế trang trại đã và đang phát triển mạnh ở các vùng nông thôn thị xã Sông Cầu, các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, toàn tỉnh đã phát triển được 2.682 trang trại với tổng vốn đầu tư hơn 374 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại được đầu tư hơn 127 triệu đồng. Hằng năm thu nhập của các trang trại bình quân đạt 102 tỷ đồng; giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ của mỗi trang trại đạt 299 triệu đồng. Trong 2.735 trang trại của toàn tỉnh, có 1.788 trang trại hoạt động theo mô hình nông- lâm kết hợp. Các chủ trang trại nêu trên sở hữu 12.140 ha đất và canh tác theo phương châm lấy ngắn nuôi dài đem lại thu nhập khá. Phổ biến là từng trang trại trồng cây công nghiệp chủ yếu là mía, sắn, keo lai, trồng rừng xen canh trồng cỏ kết hợp chăn nuôi bò đàn. Việc phát triển kinh tế trang trại ở Phú Yên được đánh giá là có hiệu quả.
Kinh tế trang trại phát triển đã thu hút một lượng lao động đáng kể vào làm việc, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Với nhiều địa phương khi đất sản xuất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, thì các trang trại đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Mỗi năm các trang trại giải quyết việc làm cho 27 nghìn đến 30 nghìn lao động có việc làm ổn định. Lao động làm thuê được trả công trung bình 100.000 đồng/ngày. Ở những trang trại cao-su, hồ tiêu, cà-phê hay nuôi trồng thủy sản còn được trả cao hơn.
Đến nay, tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Phú Yên đều có những mô hình kinh tế trang trại với mức thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng trở lên. Các trang trại canh tác trên vùng đất dốc hoạt động theo mô hình nông-lâm kết hợp được xem như là một giải pháp tối ưu, vì vừa tạo ra giá trị sản lượng hàng hóa, đem lại thu nhập cho người lao động, vừa chống xói mòn. Ông Nguyễn Đình Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nghiệp, huyện Tuy An cho biết, hơn 300 ha đất hoang hóa bạc màu ở vùng này đã được chuyển sang trồng rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua trao đổi ý kiến với các chủ trang trại tại Phú Yên cho thấy, hầu hết các trang trại đều phát triển tự phát, các địa phương chưa có quy hoạch, hướng dẫn cụ thể. Khó khăn nhất hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn vay của Nhà nước, bởi tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trang trại còn rất thấp. Hiện nay, tỉnh mới chỉ cấp giấy chứng nhận đất cho 170 trang trại, chiếm 6,22% trong tổng số trang trại, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi. Do đó đã xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lẫn nhau giữa các chủ trang trại, có nhiều vụ tranh chấp kéo dài chính quyền địa phương khó có căn cứ giải quyết dứt điểm. Để trang trại phát triển, các ngành chức năng của tỉnh cần giúp đỡ chủ trang trại tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi; định hướng phát triển, đồng thời nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có điều kiện thế chấp vay vốn đầu tư vào sản xuất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()