Phú Yên phát triển kinh tế miền núi
Phú Yên có diện tích 5.045 km2, trong đó vùng miền núi chiếm 69% diện tích nhưng chỉ chiếm 24,7% số dân toàn tỉnh; trong đó có 22 dân tộc thiểu số với 50.759 người, chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Chăm và Ba Na. Thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi, những năm qua, tỉnh Phú Yên tập trung đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng miền núi, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.Rộn ràng nhịp sống mớiNhững ngày giáp Tết, không khí lao động sản xuất vùng miền núi Phú Yên như càng khẩn trương, hối hả hơn,18.500 ha mía, 9.000 ha sắn đến kỳ thu hoạch rộ. Trên các tuyến giao thông từ tỉnh về các huyện miền núi Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, tấp nập xe tải nối đuôi nhau chở nguyên liệu về nhà máy. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng cho biết, niên vụ này toàn xã có 1.555 ha mía,...
Rộn ràng nhịp sống mới
Những ngày giáp Tết, không khí lao động sản xuất vùng miền núi Phú Yên như càng khẩn trương, hối hả hơn,18.500 ha mía, 9.000 ha sắn đến kỳ thu hoạch rộ. Trên các tuyến giao thông từ tỉnh về các huyện miền núi Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, tấp nập xe tải nối đuôi nhau chở nguyên liệu về nhà máy. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng cho biết, niên vụ này toàn xã có 1.555 ha mía, dẫn đầu toàn huyện. Bà con đang tập trung thu hoạch, bán cho nhà máy, năng suất đầu vụ đạt 58 tấn mía cây/ha, dự kiến niên vụ này địa phương sẽ cung cấp cho nhà máy 80 nghìn tấn mía, với giá mía hiện tại các nhà máy thu mua từ 935.000 đến 950.000 đồng/tấn tại ruộng, cả xã sẽ thu về hàng chục tỷ đồng. Đồng chí Phạm Đình Phụng khẳng định, nhờ chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng đúng hướng, đời sống nhân dân những năm qua có sự chuyển biến mạnh mẽ, số hộ khá, giàu chiếm số đông. 'Năm nay trúng mía, nhiều gia đình thu nhập hơn 500 triệu đồng, nhà ít cũng vài chục triệu đồng. Số hộ nghèo của xã theo tiêu chí mới còn 257 hộ, giảm 3% so đầu năm. Năm nay, xã xóa được 29 nhà tạm. Nhìn chung Tết này bà con phấn khởi lắm'.
Cũng như nhiều thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, trước đây cuộc sống của bà con đồng bào người Chăm ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa gặp rất nhiều khó khăn, cơm không đủ ăn, nhà cửa tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá. Những năm gần đây, cùng với các chương trình đầu tư và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người nghèo sản xuất, đời sống của người dân Hòa Ngãi được nâng lên. Từ hai bên đường những ngôi nhà xây ngói đỏ nằm xen giữa những vườn cây trái xanh mướt, cờ Tổ quốc tung bay khắp buôn, làng. Những khóm vạn thọ nở vàng rực trên lối đi, trên cả bờ giậu. Nóc nhà rông văn hóa ở giữa thôn được trang trí lộng lẫy, bóng những phụ nữ Chăm mặc thổ cẩm, đeo gùi đi chợ Tết thấp thoáng trong sương. Bí thư chi bộ thôn Hòa Ngãi Ma Nhà tâm đắc: 'Đây là buôn văn hóa, những ngày Đại hội Đảng ở Hà Nội vừa qua, bà con tự giác treo cờ, biểu thị tấm lòng người Chăm với Đảng. Đại hội thành công lại chuẩn bị kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, mừng xuân mới, bà con phấn khởi lắm. Có Đảng lãnh đạo bà con mới có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay'. Với 87 hộ và gần 400 nhân khẩu đồng bào người Chăm đang sinh sống trong một thôn nhỏ được quy hoạch khá văn minh, Hòa Ngãi như một biểu hiện sinh động các chính sách của Đảng và Nhà nước ta chăm lo cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ít ai tin rằng mới chỉ cách đây hơn mười năm, bà con còn quần trú trong hốc Bầu Ngãi chật chội với cuộc sống đầy vất vả. Cuộc sống du canh du cư cứ theo từng lớp đất rừng bị bợt bạt sau mỗi mùa mưa lũ. Chỉ đến khi về cắm làng cố định tại vùng đất này theo chủ trương định canh, định cư của Đảng, mới tạo dựng cuộc sống như ngày hôm nay. Già làng Ma Kham kể, ngày xưa chạy giặc, khi mới giải phóng về lại làng cũ là rất khổ, mỗi người chỉ một cái gùi, một lưỡi rựa trên vai, rồi làm mướn, làm thuê. Sau này Nhà nước quan tâm làm con đường, dời dân ra đây, lập vườn làm nhà, rồi cho vay vốn và bày cách làm ăn. Đến giờ thì đời sống nhà nào cũng khá lên. Anh La Lan Tiến, một người dân trong thôn khoe rằng, nhờ học được cách trồng cây, nuôi bò, được vay vốn, lập kế hoạch sản xuất mà anh đã thoát nghèo, mỗi năm thu nhập hơn 50 triệu đồng và xây được căn nhà ngói. Riêng năm nay mía được mùa, được giá cho nên ăn Tết rất vui.
Tập trung đầu tư theo hướng phát triển bền vững
Trong vòng 5 năm qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư 1.400 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, như giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, trường học, trạm y tế, các cơ sở dịch vụ. Nhất là hệ thống giao thông, đến nay, các tuyến giao thông đi miền núi và các tỉnh Tây Nguyên như quốc lộ 25, bốn tuyến tỉnh lộ ĐT 641, ĐT 642, ĐT 643, ĐT 644, ĐT 645, cơ bản đã hoàn thành. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều dự án làm mới, nâng cấp mở rộng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng khác; trong đó có trục giao thông phía tây nối ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đác Lắc dài 115,6 km, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, có tổng mức đầu tư 609 tỷ đồng. Các đơn vị đang tập trung thi công, sẽ hoàn thành trong năm 2011. Con đường này sẽ là tuyến giao thông quan trọng góp phần phát triển kinh tế trong vùng. Như vậy đến nay tất cả 45 xã miền núi của tỉnh đều có đường giao thông thông suốt đến trung tâm xã và các thôn, buôn. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 13 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho hơn 11.000 ha đất gieo trồng. Trên địa bàn miền núi Nhà nước đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, Krông H'Năng với tổng công suất 354 MW, với 600 km đường dây trung áp, 352 km đường dây hạ áp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Đến nay 100% số xã có điện lưới quốc gia, với tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt hơn 90%; 100% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, có bưu điện văn hóa, có hệ thống giao thông liên lạc xuyên suốt. Hệ thống cơ sở y tế được nâng cấp, mở rộng; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch là 70%; xây dựng 98 nhà rông văn hóa thôn, buôn, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số có nơi sinh hoạt. Các xã miền núi đều có trường, lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; các huyện đều có trường dân tộc nội trú, một số cụm xã có trường bán trú dân nuôi. Tổng số học sinh trong độ tuổi đến trường trên địa bàn miền núi có hơn 40.000 em; tỷ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi đến trường đạt 95%, bậc trung học cơ sở 80%, trung học phổ thông 47%; cả ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa đều được công nhận hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
Trong các chương trình mục tiêu đầu tư cho miền núi, thì Chương trình 135 đã thật sự làm đòn bẩy chuyển đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như ban đầu thực hiện Chương trình 135 giai đoạn I (1999-2005) Phú Yên có 24 xã đặc biệt khó khăn, thì đến nay kết thúc Chương trình 135 giai đoạn II đã có 14 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Chương trình 135 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc, thiểu số miền núi, có ý nghĩa to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh – quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi một cách bền vững.
Trưởng Ban dân tộc tỉnh Phú Yên Phan Hữu Đại cho biết, từ các chương trình, dự án đầu tư cho miền núi, đã tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai rộng lớn của vùng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các huyện miền núi đã hình thành được các vùng chuyên canh cây nguyên liệu mía, sắn, cao-su, gắn với các nhà máy chế biến mía, đường, tinh bột sắn, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân. Diện tích canh tác toàn vùng đạt 48.655 ha; trong đó vùng chuyên canh mía từ 18 đến 20 nghìn ha, hằng năm miền núi cung cấp khoảng 700 đến 800 nghìn tấn mía và 150 đến 160 nghìn tấn sắn nguyên liệu cho các nhà máy. Diện tích cây lúa nước tăng nhanh (hơn 500 ha) đã góp phần ổn định lương thực tại chỗ cho đồng bào, với mức bình quân lương thực đầu người hơn 300 kg/năm. Phát triển đàn bò 122,5 nghìn con, chiếm 60% tổng đàn bò cả tỉnh. Công tác trồng rừng, trong đó trồng rừng sản xuất trở thành phong trào rộng rãi trong toàn dân, kết quả 5 năm đã trồng được 7.500 ha rừng tập trung; 3.100 hộ nhận khoán 89.976 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 4.468 ha; nâng độ che phủ rừng lên 41%.
Có thể nói từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Phú Yên đã cụ thể hóa thành những chương trình, hành động, tập trung phát triển nhanh, toàn diện vùng miền núi. Với sự quyết tâm của tỉnh, đã đưa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm khu vực miền núi đạt 11,5%, GDP bình quân đầu người đạt tám triệu đồng/năm, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2003. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào miền núi được cải thiện, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, sự đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả tỉnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()