Phú Yên phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển
Với nhiều tiềm năng và lợi thế về biển, Phú Yên nói riêng, 28 địa phương ven biển của Việt Nam nói chung cần xác định kinh tế biển là động lực phát triển chính để xây dựng địa phương thịnh vượng và yên bình, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn mới.
Một động lực tăng trưởng mới
Kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước, có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.
Mặc dù vẫn đang có những bước tăng trưởng và phát triển nhưng các nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, thế giới đang đối mặt không ít các vấn đề về phát triển. Đó là vấn đề về gia tăng dân số thế giới, được dự báo gần 10 tỷ người vào năm 2050, sẽ kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, mà một trong những vấn đề đó là bảo đảm lương thực. Tăng trưởng thực GDP của toàn thế giới đang giảm dần. Không chỉ thế, đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế… đang kéo sự tăng trưởng của thế giới lùi lại. Năng suất lao động trung bình giảm dần mặc dù khoa học và công nghệ vẫn đang tiến bộ và phát triển mỗi ngày…
Trong bối cảnh khó khăn chung ấy, phát triển kinh tế biển nổi lên như một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế trong nước, đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, nhất là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới. Đối với 28 địa phương ven biển, kinh tế biển chính là cơ hội để bứt phá, phát triển mạnh mẽ.
Trong thời gian phải đối phó đại dịch Covid-19, cùng với cả nước, toàn tỉnh Phú Yên quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề của kinh tế biển như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, vận tải… bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là ngành du lịch.
Nỗ lực vượt khó, đón bắt thời cơ
Bên cạnh những khó khăn chung do dịch bệnh, kinh tế biển ở nước ta trong giai đoạn hiện nay vẫn có những thuận lợi. Đó là, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh ở trong nước, đồng thời đã sản xuất và thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19. Đây là điều kiện thuận lợi để kinh tế nói chung, kinh tế biển nói riêng tiếp tục phát triển.
Đến nay, ngành du lịch của chúng ta đang từng bước phục hồi. Việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, cùng các FTA đang đàm phán, cùng với những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội cho chúng ta phát triển các ngành nhanh hơn, bền vững hơn.
Việc phát triển kinh tế biển còn có một ý nghĩa rất quan trọng đối với nước ta, đó chính là bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế biển vẫn là một động lực tăng trưởng mới, là cơ hội để chúng ta bứt phá vươn lên. Để có thể nắm bắt được cơ hội này, tỉnh Phú Yên và các địa phương ven biển cần phải phát triển kinh tế biển trên quan điểm phải gắn với phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, tận dụng được các thành tựu của khoa học công nghệ nhưng không quên tính đến các yếu tố tác động do dịch Covid-19 mang lại.
Chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn kinh tế biển với bảo đảm chủ quyền biển, hải đảo.
Dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen, hành vi của người dân dẫn đến thay đổi cả cách thức các ngành kinh tế vận hành. Theo các chuyên gia, kinh tế biển thời hậu đại dịch sẽ có những thay đổi, trong đó đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là xu thế chính. Việc đánh bắt thủy, hải sản theo cách tận diệt, một nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm lượng thủy, hải sản đang dần được thay thế bằng việc nuôi trồng ở quy mô công nghiệp. Một số ngành nuôi biển xa bờ được dự báo phát triển nhanh nhờ các giải pháp công nghệ cũng như nhu cầu tăng cao về lương thực nhất là thực phẩm sạch. Việc sử dụng năng lượng trong hoạt động biển, hoạt động hàng hải cũng hướng đến xanh hơn, giảm phát thải khí CO2. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí, điện thủy triều, điện mặt trời nổi trên biển… sẽ là lĩnh vực được quan tâm đầu tư trong thời gian tới. Ngành du lịch cũng sẽ có sự thay đổi hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường. Chúng ta cần phải nắm bắt được những xu thế chính này để có được giải pháp phát triển cho từng ngành cụ thể một cách phù hợp.
Phát triển kinh tế biển thân thiện với môi trường
Phú Yên cùng các địa phương ven biển cần có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia các ngành kinh tế biển như: Năng lượng tái tạo, nuôi biển, nuôi trồng thủy, hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển… Định hướng phát triển cần theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường cũng như bảo vệ, phát triển cộng đồng dân cư địa phương.
Việc đầu tư, thu hút đầu tư cần được lựa chọn, tính toán cẩn thận dựa trên quy hoạch, chiến lược để phát huy thế mạnh từng địa phương, gắn với khai thác được tiềm năng, lợi thế liên kết vùng, tránh đầu tư tràn lan. Mỗi địa phương, mỗi vùng cần xác định và chỉ phát triển một vài sản phẩm có thế mạnh để có thể tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Thí dụ, khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định có lợi thế về cá ngừ thì có thể tập trung đầu tư phát triển ngành cá ngừ ở Việt Nam ở đây.
Có hai ngành kinh tế biển hậu Covid-19 mà Phú Yên và các địa phương ven biển cần lưu ý. Đầu tiên là ngành nuôi biển quy mô lớn gần bờ và xa bờ. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đến năm 2030, thế giới cần thêm 19 triệu tấn hải sản so với năm 2015. Tuy nhiên, do chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến cho nên ngành kinh tế biển vẫn chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai, và còn gây ô nhiễm môi trường. Quy trình nuôi trồng chưa bảo đảm cho nên chưa vào được các thị trường lớn, giá trị cao, do đó, cần ứng dụng công nghệ để kiểm soát các dữ liệu đầu vào như dinh dưỡng, chất lượng nguồn nước… bảo đảm chất lượng cũng như sự ổn định. Đối với ngành năng lượng tái tạo, với nhu cầu năng lượng tăng cao trong nước, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời nổi…) chính là giải pháp để chúng ta bảo đảm nguồn cung năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.
Đầu tư các công trình, dự án phục vụ kinh tế biển phải thật sự được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh ưu tiên đầu tư những công trình lưỡng dụng. Xây dựng những chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, ngư dân bám biển, làm giàu từ biển; để mỗi ngư dân là một cột mốc trên biển. Cần tận dụng việc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các quốc gia để thu hút các doanh nghiệp, các nguồn vốn quốc tế vào tham gia đầu tư, phát triển tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực có trình độ khoa học và công nghệ cao như: Sản xuất công nghiệp, chế biến thủy, hải sản, hàng hải…
Hiện đang có xu hướng một số doanh nghiệp công nghệ cao dịch chuyển một phần sản xuất ra khỏi khu vực truyền thống để tìm kiếm các địa điểm có nhiều thuận lợi hơn. Đây chính là cơ hội cho các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp ven biển với lợi thế về cảng biển, sân bay.
Tỉnh Phú Yên và nhiều địa phương ven biển miền trung là những địa phương đi sau nhưng có nhiều tiềm năng và lợi thế. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, với cơ hội của hội nhập quốc tế, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và với thời cơ của kinh tế biển, Phú Yên và các địa phương ven biển có đầy đủ những điều kiện để bứt phá, đóng góp xứng đáng vào sự chuyển mình vươn lên của đất nước.
Ý kiến ()