Phú Yên: Những động lực giúp ngư dân yên tâm bám biển
Nhiều năm qua, ngư dân Phú Yên luôn quan tâm đầu tư nâng công xuất, cải hoán tàu thuyền để vươn xa bám biển. Đồng thời, bà con ngư dân cũng đã tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá, trở thành thành viên tích cực của các tổ đoàn kết trên biển. Bên cạnh đó, cộng đồng xã hội cũng có nhiều hoạt động thiết thực, giúp ngư dân yên tâm vươn xa đánh bắt, giữ ngư trường truyền thống và phát triển nghề ở địa phương…
|
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên |
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tri Phương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Yên khi nói về nghề đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương.
Theo ông Phương, ý thức vươn xa bám biển, bám ngư trường đã có từ bao đời nay của nhiều thế hệ ngư dân Phú Yên. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngoài các nghề lưới và câu hải sản truyền thống, ngư dân Phú Yên còn là những người đi đầu, mở ra và phát triển nghề câu cá ngừ đại dương mạnh nhất cả nước.
Tuy nhiên, để đủ sức vươn khơi, đòi hỏi đội tàu thuyền của ngư dân phải mạnh cả về số lượng, công suất máy và các ngư lưới cụ, máy định vị, máy liên lạc, dò cá… phải được trang bị hiện đại, đồng bộ.
Để có đủ các điều kiện đó, ngư dân Phú Yên bằng tình yêu nghề và được sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng xã hội, đến nay cơ bản đã xây dựng cho mình được một “thương hiệu” về đội tàu cá mạnh, đông về số lượng và phong phú về các máy móc, thiết bị hỗ trợ cho nghề khơi. Nhờ đó, đã không ngừng nâng cao công suất khai thác, giữ vững ngư trường truyền thống và làm giàu chính đáng cho gia đình, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương.
Đặc biệt, từ khi có chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/TTg của Chính phủ, đã khuyến khích nhiều hộ ngư dân Phú Yên mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán nâng công suất tàu để vươn xa đánh bắt. Đến nay, qua hơn 2 năm triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ này, ngư dân Phú Yên đã được cộng đồng xã hội hỗ trợ gần 2.200 chuyến biển (chủ yếu cho các tàu thuyền đủ điều kiện vươn xa) với tổng số tiền gần 64 tỉ đồng. Trong đó, năm 2011, đã tổ chức hỗ trợ 6 đợt với hơn 21,5 tỉ đồng; năm 2012 hỗ trợ 7 đợt, hơn 42,2 tỉ đồng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Phú Yên, chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa là một chủ trương lớn, kịp thời, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Từ chính sách này, trong hai năm 2011-2012, ngư dân Phú Yên đã đóng mới và cải hoán hơn 270 tàu công
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, năm 2012, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt khoảng 49.600 tấn, tăng 9,5% so với năm 2011 (trong đó, riêng nghề khai thác cá ngừ đại dương đạt 6.050 tấn, tăng 7,1%),một số loại hải sản khác có giá trị kinh tế cao (cá thu, mực biển, tôm biển…) đều đạt sản lượng khá. Về năng lực khai thác, tính đến cuối năm 2012, tòan tỉnh có 7.310 tàu cá đăng ký, trong đó tàu công suất dưới 20CV có 4.680 chiếc; tàu có công suất từ 20 đến dưới 90CV có 1.678 chiếc; tàu từ 90 đến dưới 250CV có 791 chiếc; tàu từ 250 đến dưới 400CV có 145 chiếc và tàu từ 400CV trở lên có 16 chiếc; tổng số tàu thuộc diện đăng kiểm (từ 20CV trở lên) có 2.630 chiếc, đóng mới 23 tàu, cải hóan 8 tàu cá. |
suất từ 90CV trở lên, trong đó có 12 tàu công suất hơn 400CV. Hiện Phú Yên có 7.310 tàu cá đăng ký, trong đó tàu công suất từ 20 đến dưới 90CV có 1.678 chiếc, từ 90 đến dưới 400CV có 936 chiếc và từ 400CV trở lên có 16 chiếc.
Trong khi đó, để phát huy sức mạnh và tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau khi đánh bắt trên biển, nhất là tại các ngư trường xa như Trường Sa, Hoàng Sa… bà con ngư dân Phú Yên đã biết phát huy sức mạnh của đội thuyền mạnh về số lượng và cả công suất máy thông qua việc thành lập, tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Đặc biệt, đến nay ngư dân Phú Yên đã xây dựng được 103 tổ, đội tàu thuyền sản xuất trên biển với 787 tàu đánh bắt thủy sản và gần 5.800 lao động. Trong đó, huyện Đông Hòa có 24 tổ với 181 tàu; thành phố Tuy Hòa có 19 tổ với 159 tàu; huyện Tuy An có 19 tổ, 169 tàu và thị xã Sông Cầu 41 tổ, 410 tàu.
Đánh giá về mặt tích cực của việc tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá và các tổ, đội tàu đoàn kết đánh bắt trên biển, ông Nguyễn Hữu Vinh – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên chia sẻ: Nghề cá ở Phú Yên còn mang tính nhỏ lẻ, phát triển với quy mô hộ gia đình; ngư dân còn mang nặng tư tưởng làm ăn nhỏ theo nghề của gia đình nên sự hợp tác chia sẻ ngư trường, giá cả thị trường, kỹ thuật khai thác còn nhiều hạn chế… Vì vậy, hoạt động của các tổ, đội sản xuất trên biển mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong trường hợp gặp tai nạn khi đang đánh bắt trên biển và đa số vẫn chưa tổ chức được các tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Song, mô hình các tổ, đội tàu đoàn kết trên biển này đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng. Đặc biệt, vào cuối năm 2012, Phú Yên thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 TP Tuy Hòa là nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên của tỉnh. Nghiệp đoàn đã cung cấp cho ngư dân các thông tin pháp luật quốc tế về biển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần; vận động bà con giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, bất trắc trên biển… Đây là những mô hình thiết thực, giúp cho ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường, phát triển nghề cá tại địa phương. Để tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình này, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như hỗ trợ hoạt động; có chính sách hỗ trợ phát triển đội tàu có công suất lớn, có tàu dịch vụ trên biển.
|
Nghề câu cá ngừ đại dương góp phần |
Có thể nói, trong điều kiện còn nhiều khó khăn đối với nghề khai thác, đánh bắt trên biển như hiện nay, việc ngư dân biết đoàn kết chia sẻ các khó khăn, hỗ trợ nhau cùng phát triển nghề; đặc biệt, với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được cộng đồng xã hội tích cực vào cuộc đã trở thành những động lực lớn giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường. Những hỗ trợ này không chỉ trực tiếp giúp ngư dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đặc biệt, sự có mặt của ngư dân trên các vùng biển là nhân tố quan trọng khẳng định chủ quyền quốc gia trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc./.

Ý kiến ()