Phú Yên: Đẩy mạnh việc phát triển rừng bền vững
Thực hiện Chương trình 5 triệu ha rừng, từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã trồng được 44.385ha rừng tập trung, trung bình mỗi năm trồng từ 1 đến 1,2 triệu cây phân tán, tương đương khoảng 500ha. Hiện nay, Phú Yên đang quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc phát triển rừng bền vững. Theo Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, tính đến thời điểm này, nhờ quyết tâm đẩy mạnh việc phát triển rừng bền vững, tổng diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh đã đạt 36.742ha, trong đó trồng rừng nguyên liệu là 33.700ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và trồng bổ xung cây lâm nghiệp được gần 11.000ha. Nhờ vậy, sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt gần 18.000m3, trong đó tỉ lệ khai thác rừng sản xuất hiện đã tăng lên 77,6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, chất lượng rừng chưa cao, độ che phủ mới chỉ đạt 34,9%, khả năng phòng hộ thấp. Một trong những nguyên nhân chính là do đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp để...
Thực hiện Chương trình 5 triệu ha rừng, từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã trồng được 44.385ha rừng tập trung, trung bình mỗi năm trồng từ 1 đến 1,2 triệu cây phân tán, tương đương khoảng 500ha. Hiện nay, Phú Yên đang quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc phát triển rừng bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên, tính đến thời điểm này, nhờ quyết tâm đẩy mạnh việc phát triển rừng bền vững, tổng diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh đã đạt 36.742ha, trong đó trồng rừng nguyên liệu là 33.700ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và trồng bổ xung cây lâm nghiệp được gần 11.000ha. Nhờ vậy, sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt gần 18.000m 3, trong đó tỉ lệ khai thác rừng sản xuất hiện đã tăng lên 77,6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN-PTNT, chất lượng rừng chưa cao, độ che phủ mới chỉ đạt 34,9%, khả năng phòng hộ thấp. Một trong những nguyên nhân chính là do đất lâm nghiệp giao cho các doanh nghiệp để trồng rừng khá lớn (diện tích phải trồng hơn 20.000ha), nhưng tiến độ thực hiện chậm, vì trong 3 năm qua kể từ khi thực hiện dự án đến nay mới chỉ trồng khoảng 3.000ha.
Theo đánh giá của các ngành chức năng và địa phương, phần lớn các dự án trồng rừng của các doanh nghiệp chưa thật sự đem lại lợi ích cho người dân vùng hưởng lợi, thậm chí không ít doanh nghiệp còn lợi dụng việc trồng rừng khai thác triệt rừng tự nhiên để lấy gỗ. Cụ thể theo thiết kế, các dự án trồng rừng khi phát dọn thực bì phải bảo vệ những cây có đường kính từ 10cm trở lên; dọc các con suối phải chừa lại mỗi bên 10m, hoặc dọc theo khe lớn, suối sâu có nước phải chừa lại mỗi bên 20m để phòng hộ chắn lũ quét cục bộ vào mùa mưa… Nhưng khi triển khai trồng rừng, các doanh nghiệp đều không thực hiện đúng quy định, thậm chí một số doanh nghiệp tự ý chặt phá rừng để lấy gỗ. Hậu quả làm xói lở đất, gây ra lũ lụt nghiêm trọng bị dư luận lên án.
Trước thực trạng trên, Phú Yên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại các dự án trồng rừng. Kết quả bước đầu, tại huyện miền núi Đồng Xuân, ngành nông nghiệp đã kiến nghị thu hồi hơn 1.000 ha rừng của các doanh nghiệp, trong đó có 368 ha của Công ty TNHH Bình Nam. Nguyên nhân là rừng có độ dốc cao, gần khu dân cư, dễ bị trôi rửa lấp đất canh tác và trồng rừng không hiệu quả; khu vực rừng có nhiều khe suối độ dốc lớn và thực bì dày… Hiện nay việc kiểm tra, rà soát, thu hồi đất trồng rừng không đúng quy định vẫn đang được các ngành chức năng và địa phương tiếp tục triển khai.
Đồng thời, UBND tỉnh Phú Yên vừa đưa ra chương trình quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng từ nay đến năm 2020, trước mắt phấn đấu đến năm 2015 nâng độ che phủ rừng lên 39%. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra giải pháp trồng 28.390ha rừng và khoanh nuôi phục hồi gần 6.000ha. Theo đó, đã lên kế hoạch cân đối nguồn kinh phí đầu tư mỗi năm gần 195 tỷ đồng, trong đó hơn 67% nguồn vốn dành cho trồng và khoanh nuôi phục hồi rừng.
UBND tỉnh Phú Yên còn tập trung nâng cấp 12 vườn ươm với công suất khoảng 16 triệu cây giống/năm và khuyến khích hơn 2.700 chủ trang trại đầu tư vốn để sản xuất cây giống, phát triển mô hình nông lâm kết hợp. Từ nay đến năm 2015, đầu tư kinh phí nâng cấp 550km đường ranh phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời nâng cấp, làm mới gần 280km đường lâm nghiệp.
Toàn tỉnh đã thành lập Ban Phát triển rừng tại 72 xã và phấn đấu thời gian tới, có 100% hộ gia đình tham gia các dự án lâm nghiệp được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng… Phú Yên cũng đã lập quy hoạch phát triển tổng thể 11 xã trong vùng, giúp khoảng 1.660 hộ cải tạo vườn nhà theo hướng phát triển lâm nghiệp hàng hóa, đồng thời chọn mô hình sản xuất nông lâm kết hợp với diện tích hơn 400ha để rút kinh nghiệm nhân rộng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()