Từ một tỉnh thuần nông, với 80% số dân tập trung ở nông thôn, tỷ trọng nông nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu nền kinh tế, trong mười năm trở lại đây, nhất là thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (giai đoạn 2006-2010), Phú Yên đã nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá để phát triển nhanh và bền vững.
Tập trung quy hoạch, đầu tư hạ tầng công nghiệp
Phú Yên xác định lấy công nghiệp làm hướng đột phá trong phát triển kinh tế. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, giai đoạn 2006-2010, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 3-10-2006 của Tỉnh ủy Phú Yên về phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010. Từ đó tỉnh ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp, như giao thông, cảng biển, bưu chính – viễn thông, hệ thống điện, nước. Đồng thời, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; phát huy hiệu quả đầu tư và vai trò của các khu, cụm công nghiệp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Năm năm qua, Phú Yên đã đầu tư gần 7.900 tỷ đồng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật công nghiệp (giai đoạn 1996-2000 là 2.215 tỷ đồng; giai đoạn 2000-2005 là 4.790 tỷ đồng). Trong đó phải kể đến việc xây dựng hoàn chỉnh và từng bước mở rộng ba khu công nghiệp tập trung là Khu công nghiệp Hòa Hiệp tại huyện Đông Hòa, Khu công nghiệp An Phú tại TP Tuy Hòa và Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, với tổng diện tích hơn 300 ha. Công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp được chú trọng, đến tháng 9-2010, có 67 dự án đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp, tổng số vốn đăng ký là 1.476 tỷ đồng và 29,68 triệu USD, trong đó có 55 dự án đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho 6.262 lao động. Ngoài ra, tỉnh cũng đưa vào quy hoạch tám cụm, điểm công nghiệp tại các địa phương với quỹ đất dự kiến 770 ha. Đến nay, đã có nhiều cụm, điểm công nghiệp được xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động hiệu quả. Các làng nghề truyền thống đang được khôi phục và tạo điều kiện để phát triển, có 7/18 làng nghề được công nhận.
Cơ cấu kinh tế Phú Yên đã chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp được xem là hướng đột phá. Năm năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp-xây dựng tăng bình quân hằng năm 18,39%, trong đó GDP công nghiệp tăng 18,46%/năm. Tỷ trọng GDP công nghiệp trong cơ cấu GDP tỉnh tăng từ 22,24% ở năm 2005 lên 25,54% năm 2009, năm 2010 ước đạt 30%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện năm 2005 (theo giá cố định năm 1994) đạt 2.510 tỷ đồng, đến năm 2009 đạt 4.160 tỷ đồng và hết năm 2010 ước đạt 4.900 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm giai đoạn 2006-2010 tăng 18,68%/năm. Số lượng lao động công nghiệp tăng bình quân hằng năm 5,86%, giải quyết việc làm mới đến năm 2010 đạt 22.000 lao động trong tổng số 55.000 lao động toàn ngành công nghiệp. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp đạt tốc độ tăng bình quân hằng năm là 17,38%. Nếu trước năm 2000, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh chỉ đạt 16 triệu USD/năm, năm 2005 đạt 57 triệu USD, thì đến năm 2010 đạt 120 triệu USD.
Những giải pháp phát triển
Tuy nhiên, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Phú Yên vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém. Cơ cấu ngành công nghiệp trong nền kinh tế tỉnh phát triển chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc sắp xếp lại lực lượng sản xuất toàn ngành còn chậm. Lực lượng sản xuất tuy phát triển mạnh về chiều rộng, nhưng chưa tạo được chuyển biến về chất lượng; chưa có điều kiện đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo lực lượng lao động lành nghề, nên chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp và thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng. Khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh còn phát triển tự phát, sản xuất phân tán, manh mún, đan xen trong khu vực dân cư và gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn ít và chưa phát huy được hiệu quả đầu tư. Cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư hoàn chỉnh nên chưa đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư.
Mục tiêu và phương hướng tổng quát của Đảng bộ Phú Yên trong năm năm tới (2011- 2015) là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức bình quân chung của cả nước, tạo đà để đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, Phú Yên tiếp tục củng cố phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có theo hướng tập trung đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị và công nghệ; tạo thuận lợi để các dự án đầu tư xây dựng mới sớm được đưa vào hoạt động và phát huy tốt năng lực sản xuất. Phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản; công nghiệp may; hóa dược phẩm; bia, nước giải khát; vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo ô-tô, lắp ráp máy móc, công cụ; đầu tư xây dựng các dự án thủy điện; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở nông thôn.
Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, mở rộng các khu, cụm công nghiệp và kết cấu hạ tầng chung của tỉnh. Phát huy các lợi thế đã có và tích cực thu hút các dự án đầu tư trong nước và ngoài nước ở những lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; khai thác các tiềm năng kinh tế biển từ lợi thế là cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên; đặc biệt thu hút các dự án đầu tư lọc hóa dầu gắn với việc hình thành Khu kinh tế nam Phú Yên để tạo cơ sở cho sự phát triển đột phá của ngành công nghiệp và kinh tế tỉnh. Tiếp tục phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung và một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thu hút nhiều lao động, như công nghiệp chế biến đường, tinh bột sắn ở phía tây tỉnh; chế biến xuất khẩu gỗ mỹ nghệ; chế biến hải sản xuất khẩu vốn là lợi thế từ tiềm năng sẵn có của địa phương.
Cùng với tập trung khai thác những lợi thế, tiềm năng sẵn có, thành công của Phú Yên trong những năm qua là đã phát huy hiệu quả mối liên kết vùng, từng bước gắn phát triển công nghiệp của tỉnh với khu vực và cả nước, trọng tâm là khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, hình thành vùng kinh tế động lực. Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch đến năm 2020, Phú Yên xác định khu vực từ thành phố Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô là vùng kinh tế động lực của tỉnh nhằm phát huy lợi thế từ sự liên kết giữa trung tâm hành chính tỉnh lỵ Phú Yên với Khu công nghiệp Hòa Hiệp, sân bay Tuy Hòa (Đông Tác) và Cảng biển tổng hợp Vũng Rô.
Phú Yên xác định thời cơ mới để bứt phá đó là thu hút các dự án nhà máy lọc dầu, tổ hợp hóa dầu và nhiều dự án quan trọng khác. Do vậy tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp lọc hóa dầu để tạo đột phá cho ngành công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo, góp phần đưa nền kinh tế Phú Yên phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm năm, giai đoạn 2011-2015 tăng 13-13,5%/năm, trong đó giá trị gia tăng ngành công nghiệp-xây dựng tăng 16-17%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP đến năm 2015: ngành nông-lâm-thủy sản chiếm 20%; công nghiệp-xây dựng 40%; dịch vụ 40%.
Ý kiến ()